Sáng nay, 29-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp và thị sát qua hệ thống trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại năm thành phố trực thuộc Trung ương khi mà 15 ngày tới được coi là “giờ vàng” quyết định chúng ta thành công hay thất bại trong chống dịch.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giành phần lớn thời lượng báo cáo để nói về ổ dịch tại BV Bạch Mai. Ông cho hay từ ngày 19-3, ngay khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai có hai y tá dương tính với COVID-19, TP Hà Nội đã khẩn trương xác minh những người thân đã tiếp xúc gần với bệnh nhân này.
Kết quả, trong ngày 20-3, đã xác minh được con gái bệnh nhân 86 dương tính với COVID-19. Những trường hợp tiếp xúc gần hai y tá trong viện cũng đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Hiện chưa phát hiện thêm trường hợp nào tiếp xúc gần dương tính với COVID-19.
Sau khi xác định các trường hợp dương tính với COVID-19, BV Bạch Mai đã chuyển 5.113 bệnh nhân đang điều trị tại đây về các tỉnh, thành miền Bắc, trong đó TP Hà Nội đã tiếp nhận 1.592 trường hợp. Đến nay, TP Hà Nội cũng đã xác minh được toàn bộ người thân của gần 1.600 bệnh nhân này và cho cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung báo cáo Thủ tướng về tình hình dịch trên địa bàn Hà Nội tại cuộc họp sáng nay, 29-3.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá “ổ dịch” tại Bệnh viện Bạch Mai là ổ dịch lớn nhất, phức tạp nhất và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn TP, cũng như một số tỉnh, thành trên cả nước. “Bộ Y tế mới chỉ công bố 12 trường hợp dương tính ở Bệnh viện Bạch Mai thôi nhưng số ca dương tính đã tăng gần 20 rồi” - ông nói.
Theo Chủ tịch Hà Nội, đã có những trường hợp từ BV Bạch Mai đi theo đoàn công tác xuống BV Bạch Mai cơ sở 2 dưới Hà Nam dương tính với COVID-19. Có trường hợp đi về Nam Định, Ninh Bình… cũng dương tính với COVID-19. Vì vậy, chỉ trong một vài ngày tới có thể có thêm ca dương tính ở một số tỉnh miền Bắc, cũng như tại TP Hà Nội.
Căn cứ tình hình thực tế, Chủ tịch TP Hà Nội đánh giá BV Bạch Mai có đầy đủ yếu tố của một “ổ dịch” diễn biến hết sức phức tạp. Cụ thể, có những bệnh nhân có bệnh nền nặng được điều trị tại đây. Trước thời điểm “đóng băng” bệnh viện, mỗi ngày vẫn có hàng ngàn người dân đến đây khám chữa bệnh.
Ông Chung cho hay ngày 19-3, ngay sau khi BV Bạch Mai có hai ca dương tính (ca 86-87, công bố ngày 20-3 - PV), được sự đồng ý của Thành ủy Hà Nội, Hà Nội đề xuất phong tỏa toàn bộ bệnh viện Bạch Mai nhưng yêu cầu này không được đồng ý, BV chỉ phong tỏa hai khoa.
Ông cho hay sau ngày 20-3, BV đã chuyển 5.113 trường hợp về khắp các tỉnh, thành, trong đó Hà Nội tiếp nhận 1.592 trường hợp. Bên cạnh đó, đáng lo ngại nhất hiện nay là khu vực nhà ăn cho bệnh nhân và người ngoài vào ăn - nơi bệnh nhân 170 vào ăn năm lần và bị nhiễm.
“Mỗi ngày có khoảng 600-700 người dân vào đây ăn uống, cuối tuần có khoảng 250 người. Hơn nữa, bộ phận nấu ăn tại bệnh viện mỗi ngày cũng cung cấp cho khoảng 5.000 đến 6.000 nhân viện trong bệnh viện. Khoảng 2.000 đến 3.000 học viên, thực tập sinh của Hà Nội cũng như các tỉnh, thành cũng vào đây ăn uống” - ông nói.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin việc Bộ Tư lệnh hóa học phun thuốc khử trùng BV Bạch Mai tối qua (ngày 29-3) làm người dân, cũng như nhân viên trong bệnh viện yên tâm hơn. Tuy nhiên, hiện nay nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ đây ra cộng đồng vẫn rất lớn.
“Tôi có nhờ một số chuyên gia của các nước phân tích, so với các bệnh viện tại Daegu (Hàn Quốc), Lombardy (Ý) và New York (Mỹ), thì tình hình dịch bệnh tại BV Bạch Mai còn phức tạp hơn. Vì số lượng người ra vào quá nhiều, số bệnh nhân ở đây quá lớn, số sinh viên vào học tập tại bệnh viện quá đông. Sau đó lại phân về các tỉnh số lượng lớn bệnh nhân, khiến tình hình dịch phức tạp, tương tự như Vũ Hán (Trung Quốc), dịp tết nhiều người đã di chuyển khắp các nơi…” - ông Chung nói.
Tại phiên họp, Hà Nội đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ Hà Nội máy thở; đề xuất cung cấp cho Hà Nội bộ test nhanh để Hà Nội xét nghiệm nhanh trên diện rộng, ưu tiên khu vực xung quanh BV Bạch Mai...
Về thông tin các trường hợp dương tính, Bộ Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cho phép CDC Hà Nội khẳng định dương tính, vậy Hà Nội xin phép Hà Nội công bố để thuận lợi cho cơ sở ra quyết định cách ly cho các trường hợp F1, F2 một cách kịp thời.
Bởi như hiện nay, khi Bộ chưa công bố, người dân chưa hợp tác cách ly vì nhiều người cho rằng “chỉ khi nào tivi phát chúng tôi mới bị bệnh”. Trong khi đó, nếu các ca dương tính được cách ly sớm sẽ giảm lây lan hơn.
Đề xuất Thủ tướng có quyết định về một số lao động, nhân viên làm việc trong khách sạn, nhà hàng, phục vụ cửa hàng bán lẻ... không về quê, tạm trú tại chỗ. Tránh trường hợp có bệnh lây lan về quê.