Tình trạng ô nhiễm trên sông Ui (tên gọi khác là sông Giêng), nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận đã kéo dài nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có phương án kiểm soát triệt để. Trước đây “điểm nóng” ô nhiễm thường được nhắc đến là một nhà máy cồn, nay lại thêm nhiều nguồn ô nhiễm khác.
Hết nhà máy cồn đến trại heo “khủng”
Sông Ui là nguồn cấp nước sinh hoạt cho người dân huyện Hàm Tân, Bình Thuận. Dù có ý nghĩa quan trọng như thế nhưng phía tỉnh Bình Thuận không thể kiểm soát được chất lượng nguồn nước trên sông Ui mà phụ thuộc vào tỉnh Đồng Nai, nơi có nhiều nguồn thải ô nhiễm nằm ở thượng nguồn sông Ui.
“Người dân rất bức xúc về tình trạng ô nhiễm trên sông Ui. Trước đây, khi nói đến nguồn thải gây ô nhiễm ở thượng nguồn, người dân hay nhắc đến Nhà máy cồn Tùng Lâm. Tuy nhiên, hiện nay ngoài nhà máy cồn còn có một nhà máy bột mì và các trang trại nuôi heo. Nếu nguồn thải từ các đơn vị này không được kiểm soát, tình trạng ô nhiễm trên sông Ui không những không giảm mà còn có nguy cơ tăng lên” - một cán bộ thuộc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận cho hay.
Theo tìm hiểu của PV Pháp Luật TP.HCM, trên thượng nguồn sông Ui hiện có nhiều đơn vị có nguồn xả thải đổ ra lưu vực sông gồm: Công ty Cồn Tùng Lâm, Công ty Bột mì Thành Tâm và bốn trang trại heo thuộc các công ty TNHH An Phú Khánh Sáu, An Phú Khánh Bảy và An Phát Tám với tổng đàn heo lên đến 7.200 con. Trong khi đó, theo kết quả quan trắc của Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, từ năm 2014 đến 2017, nguồn nước mặt trên sông Ui ở các vị trí quan trắc đều bị ô nhiễm với các chỉ tiêu đặc trưng liên quan đến ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm các chất nitrit, nitrat và vi sinh…
Các báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cho thấy từ khi đi vào hoạt động, đến nay tất cả đơn vị trên đều từng bị xử phạt vì vi phạm nhiều quy định liên quan đến công tác bảo vệ môi trường. Gần đây nhất là tình trạng vi phạm của các trại heo. Cụ thể, trong năm 2017, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành ba quyết định xử phạt hành chính bốn trại heo (có một công ty có hai trại heo) với tổng số tiền hơn 1,5 tỉ đồng. Hành vi vi phạm của các trại heo được xác định như chưa có giấy xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án; thực hiện không đúng một trong các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường…
Nhánh sông cây cỏ um tùm này tiếp nhận nguồn nước từ các nhà máy, trại heo ở thượng nguồn sông Ui. Ảnh: CTV
Nước thải lưu chứa của các trại heo nằm ở thượng nguồn sông Ui gây lo ngại cho môi trường khu giáp ranh Đồng Nai và Bình Thuận. Ảnh: CTV
Chưa quan trắc môi trường tự động
Trong một báo cáo mới đây về việc kiểm tra tình trạng ô nhiễm ở khu vực giáp ranh giữa Đồng Nai và Bình Thuận, Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cho biết tại thời điểm khảo sát vào ngày 30-11-2017, chỉ mới có một trại heo vi phạm nói trên xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải và đang vận hành thử nghiệm. Hai công ty còn lại vẫn đang trong quá trình xây dựng hệ thống xử lý nước thải cũng như tiến hành lót lớp chống thấm ở các hồ chứa nước thải…
Đối với Nhà máy cồn Tùng Lâm (công suất 72 triệu lít/năm) và nhà máy chế biến bột mì của Công ty Bột mì Thành Tâm (công suất 12.000 tấn/năm), theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, trong giai đoạn 2010-2014 các đơn vị này nhiều lần bị xử phạt hành chính do vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Cụ thể, Công ty Bột mì Thành Tâm đã ba lần bị xử phạt với tổng số tiền gần 80 triệu đồng. Nhà máy cồn Tùng Lâm cũng đã bốn lần bị xử phạt với tổng số tiền gần 164 triệu đồng. Các hành vi vi phạm của hai công ty này gồm xả thải không đúng quy định, xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép…
Dù đánh giá hai nhà máy trên cơ bản đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường, tuy nhiên Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai vẫn nhận định hiện nay ở khu vực giáp ranh giữa tỉnh này với Bình Thuận vẫn còn tình trạng doanh nghiệp lợi dụng trời mưa hoặc đêm tối lén lút xả nước thải ô nhiễm môi trường.
Bình Thuận phối hợp với Đồng Nai xử lý ô nhiễm Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cho biết đơn vị này sẽ tiếp tục giám sát hoạt động của Công ty Cồn Tùng Lâm, Công ty Bột mì Thành Tâm và bốn trại heo có nguồn xả thải ra lưu vực sông Ui để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm ở vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận. Về việc phối hợp xử lý các đơn vị ô nhiễm, trong một thông báo gửi cho Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận mới đây, Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai đề cập: “Trên quy chế phối hợp, khi phát hiện ô nhiễm ở vùng giáp ranh ảnh hưởng đến Bình Thuận, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận nên phối hợp với UBND xã Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai để kịp thời xử lý”. Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cho rằng hiện nay các đơn vị tái sử dụng nước thải (như các nhà máy ở vùng giáp ranh giữa Đồng Nai và Bình Thuận), theo quy định lại không thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động. Do đó, việc giám sát việc xả thải của các nhà máy này hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. |