Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai vừa thông báo thu hồi và chấm dứt hiệu lực văn bản đã cho phép Công ty TNHH MTV Nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm (gọi tắt Công ty Tùng Lâm) tái sử dụng nước thải sau khi xử lý để phục vụ nhu cầu hoạt động. Phương án tái sử dụng nước thải của Công ty Tùng Lâm được xem là một trong những yếu tố có thể gây ra hậu họa về môi trường.
Tự ý ngăn sông, xả nước ô nhiễm
Với diện tích nhà máy hơn 350.000 m2, công suất 72 triệu lít/năm, lại nằm sát sông Gia Ui (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai, giáp ranh với tỉnh Bình Thuận) từ lâu Nhà máy cồn Tùng Lâm đã được xem là một trong những mối đe dọa nguồn nước cho tỉnh Đồng Nai và với cả tỉnh Bình Thuận. Vì từ sông Gia Ui nguồn nước ô nhiễm sẽ đổ về sông Giêng ở Bình Thuận, gây khó khăn cho công tác cấp nước ở hạ nguồn.
Trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên sông Gia Ui và sông Giêng, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cấp nước sinh hoạt của người dân huyện Hàm Tân (Bình Thuận) và 600 cán bộ, chiến sĩ cùng hơn 5.000 phạm nhân ở trại giam Thủ Đức (Bình Thuận), đầu năm 2016, Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, chỉ đạo Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49) phải vào cuộc điều tra, xác định nguyên nhân ô nhiễm.
Cuối tháng 4-2016, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phía Nam (C49B) kết hợp với PC49 Đồng Nai, PC49 Bình Thuận kiểm tra Nhà máy cồn Tùng Lâm và phát hiện nhà máy có nhiều vi phạm về bảo vệ môi trường.
Cụ thể, Công ty Tùng Lâm tự ý đắp đập ngăn sông Gia Ui để lấy nước, gây cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến công tác cấp nước ở khu vực hạ lưu. Ngoài ra, Nhà máy cồn Tùng Lâm xả bụi, nước thải, khí thải vượt quy chuẩn cho phép.
Khu vực xả thải của Nhà máy cồn Tùng Lâm nguồn nước thường có dấu hiệu ô nhiễm. Ảnh: MT
Tạo kẽ hở cho công ty vi phạm?
C49B xử phạt Công ty Tùng Lâm với tổng số tiền lên đến 400 triệu đồng. Công ty Tùng Lâm còn bị buộc khắc phục các hậu quả liên quan trong thời gian sáu tháng.
Theo C49B, phương án tái sử dụng nước thải của Nhà máy cồn Tùng Lâm do Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai phê duyệt năm 2014 là không phù hợp với quy trình giám sát, thanh tra các hành vi vi phạm liên quan đến vận hành xử lý nước thải, tạo kẽ hở cho công ty vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM,sau khi bị C49B xử phạt, Công ty Tùng Lâm vẫn vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Cụ thể, giữa tháng 8-2016, Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai và Phòng TN&MT huyện Xuân Lộc ghi nhận nước thải nhiệt từ công đoạn đường hóa của nhà máy chảy ra sông Gia Ui.
Trước đó, cuối tháng 7-2016, đoàn giám sát của Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cũng phát hiện tình trạng tương tự. Ước tính lượng nước chảy ra sông 4-6 m3/giờ, tương đương với 96-144 m3/ngày đêm. Ngoài ra, tại mương dẫn nước giải nhiệt (khu vực gần hồ chứa nước giải nhiệt) cũng có hiện tượng vỡ mương, nước chảy ra ngoài. Các hồ chứa nước giải nhiệt cũng chưa được chống thấm...
Theo Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, trong năm 2015, Công ty Tùng Lâm cũng có nhiều vi phạm như chưa lắp đặt đồng hồ theo dõi lượng nước thải sau xử lý, có hiện tượng rò rỉ nguồn nước màu đen và hôi thối ra sông.
Với những vi phạm tiếp diễn trong năm 2016, Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai kết luận Công ty Tùng Lâm liên tục vi phạm các quy định về lĩnh vực tài nguyên nước, không thực hiện đúng phương án tái sử dụng nước...
Tuy vậy, những vi phạm của Công ty Tùng Lâm trong năm 2016 do Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai xác định trùng với vi phạm C49B đang xử lý nên Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai đã không xử phạt mà chỉ thu hồi văn bản cho phép về phương án tái sử dụng nước thải đã cấp.
Nguy cơ từ nước thải nhiệt khổng lồ Công ty Tùng Lâm bắt đầu hoạt động vào năm 2008. Năm 2010, công ty được UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép khai thác nước mặt với lưu lượng lên đến 9.600 m3/ngày. Nước thải nhiệt từ hoạt động sản xuất của Công ty Tùng Lâm phát sinh khoảng 5.000-6.500 m3/ngày, được Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cho phép tuần hoàn tái sử dụng vào các hoạt động của nhà máy. Tuy nhiên, kết quả một số lần kiểm tra gần đây cho thấy nước thải nhiệt này lại vượt quy chuẩn cho phép. |