Tháng 9 ngấp nghé kéo theo chơm chớm heo may. Phương Nam bắt đầu vào mùa mưa, ông trời như lão già khó tính, trưa thì hầm hập… chiều nào cũng xòa cái “áo đen” từ Cao nguyên che phủ xuống biển. Mưa... Mưa như thể bù lại những tháng hạn đầu năm.
Nhà nhà cũng lên đèn, lanh canh chén đũa bữa cơm chiều. Quanh nhà, ruộng đang mùa gặt sực nức mùi rơm rạ, thoang thoảng ngai ngái mùi bùn. Ôi cái mùi của nhà quê chả lẫn đâu được, dân thành phố có “thèm” cũng tìm chẳng ra... Cái mùi của hạt lúa vừa nghén hạn, trải qua “tháng tám, ngày ba” sao làm ta nhớ quê da diết một vùng quê mà đã xa lâu lắm rồi!
Thi trấn Yên Định
Quê ngoại tôi, một làng ven biển tỉnh Nam Định thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Bao năm qua, mỗi khi nghĩ về miền quê xa ấy, tôi luôn cảm thấy mình như còn mắc nợ một cái gì đó mà không thể định nghĩa được…
Ngày xưa, nhà tôi ở thành phố, mỗi năm chỉ có dịp hè là được Ba Mẹ cho về quê dăm bữa, nửa tháng. Vẫn còn nhớ cái cảm giác háo hức mấy chị em dắt tay nhau lên xe khách đi 50 km, rồi đi bộ vài km về nhà bà ngoại. Quê tôi là xứ đạo, hồi ấy không có nhiều nhà cao tầng như bây giờ, nên đứng bất cứ chỗ nào, nhìn ra các phía đều thấy vài cái tháp chuông nhà thờ thấp thoáng sau những rặng tre.
Xã Hải Hòa
Nhà bà ngoại tôi nằm ngay ngã tư của 1 thôn nhỏ. Giống như tất cả các nhà ở quê, phía sau nhà là ao nước nhỏ để rửa ráy, nuôi cá thả rau bèo. Quanh ao trồng mít, cam chanh, bưởi, nhãn. Mùa hè có thêm quả nhót đo đỏ lấm tấm phấn, muốn ăn phải chùi vào áo cho hết phấn đã, cái vị ngọt chua nồng ấy bao năm rồi chưa được ăn. Người nhà quê thì mùa nào thức ấy, ít người ra chợ mua trái cây để ăn.
Cái khoảng thời gian mong manh ngày chưa qua hết, đêm chưa ập tới ở miền quê mới tuyệt làm sao... Hồi nhỏ thì chưa biết gì, bây giờ lớn rồi, ngẫm lại mới thấy cảnh ấy đúng là dễ buồn và xao xuyến lắm.
Trong trí nhớ của tôi, thích nhất là những chiều vừa nhạt nắng, được cùng mọi người dọn lúa, khoai, lạc cho vào bồ… với bọn trẻ con nhà quê thì đấy là công việc, nhưng với chúng tôi lại là trò chơi.
Ở thành phố có được “chơi” như thế bao giờ cơ chứ. Lũ trẻ con thích nhất là khi vừa ngắm trăng nhô lên ở phía biển, vừa xôn xao bên rổ lạc non, hay nồi khoai, dong đang bốc khói. Người quê tôi có cái lệ là ăn chính vào buổi sáng và xế trưa, tối đến thì lại "ăn sáng" như người thành phố. Ngày ấy chúng tôi lạ lẫm và khó làm quen với “thói quê”, nhưng đến bây giờ đọc nhiều, nghe nhiều mới biết các cụ quê tôi đã rất "khoa học" trong ẩm thực cả trăm năm nay rồi.
Nhà thờ thị trấn Côn
Thú vị nhất là khoảng tháng 6 tháng 7, đấy là lúc cua rạm “tức trứng” bơi ngược dòng tìm nơi sinh sản, người quê tôi quen gọi là 'rạm trôi". Thời điểm này rạm “mẩy” chứ không “óp”. Đôi khi theo các cậu, các anh lớn tuổi ra dòng sông trước nhà bà ngoại cất vó. Những con cua rạm kết thành mảng "di cư" dính vào vó, rồi bị tóm vào giỏ, loe ngoe càng ngơ ngác... Cua rạm cũng giống như con cua rốc, con cáy... chế biến làm nhiều món ngon lắm.
Với tôi, có lẽ trong các loại “8 cẳng 2 càng” thì cua rạm là ngon bậc nhất. Cái thân cua bóc ra ram cho khô, tứ chi giã nấu canh mướp, rau đay mồng tơi. Bữa cơm chỉ cần thế thôi cũng nuốt trôi vài bát... Nghĩ lại món ăn ngày ấy mà vẫn còn cảm giác vị cua rạm béo bùi ngầy ngậy.
Về quê còn là dịp được ăn cơm nấu bằng gạo tám, không phải độn ngô hay mỳ sợi như ở thành phố. Nói đến đặc sản tiến vua thì phải nhắc đến gạo tám xoan Hải Hậu quê tôi. Cơm gạo tám dẻo, trắng nõn nà có hương thơm đặc biệt, ăn nguội cũng không cứng. Về quê tới bữa chưa nhìn, chỉ ngửi mùi cơm chín thôi đã muốn ăn rồi.
Về quê là những sáng, những chiều theo anh, theo chị đi ra biển chơi. Gần thì đi biển Hải Lý, xa thì đạp xe đi Hải Thịnh. Từ nhà bác tôi ở thị trấn Cồn ra biển cũng phải tới 4, 5 km. Hồi ấy đi bộ cũng không thấy xa. Chúng tôi vừa đi vừa bắt còng còng nên chẳng thấy mệt tẹo nào.
Nhà thờ đổ Hải Lý nổi tiếng là bối cảnh của các đoàn làm phim và là tác phẩm của các nhiếp ảnh gia, ngày ấy vẫn còn tuốt trong làng chứ không đứng hoang tàn ở mép sóng như bây giờ. Ra biển đùa sóng, phơi nắng, nghịch cát và tắm chán về nhà cậu, nhà bác hái bưởi hay thả câu dưới sông Cồn.
Đêm nhà quê mới yên tĩnh làm sao... thi thoảng là tiếng lộc cộc gõ sừng của con "đầu cơ nghiệp" nhà nông ngoài chuồng, trong đêm tôi cũng vẫn có thể hình dung những đôi mắt của chú nghé con đang ngơ ngác, đôi mắt ấy đẹp đến thánh thiện và lạ lùng. Trong thoáng hương đồng gió nội, là râm ran tiếng ếch nhái, xào xạc của bụi tre sau nhà, tiếng cá đớp trăng rộn rã ao bèo, tiếng gàu lạch cạch khua thành giếng... kẽo kẹt là tiếng võng bà tôi ôm cháu và lẩy Kiều "Trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau...". Đêm chỉ hết khi tiếng chuông nhà thờ lảnh lót gọi người người đi lễ sáng. Bếp nhà nào cũng đỏ lửa, khói rơm nghi ngút quyện vào mái tranh, đẹp như một bức tranh lung linh trong ánh trời ló rạng phía biển xa.
Một khoảng tuổi thơ gắn với những kỷ niệm về miền quê ngoại. Những người lớn tuổi ngày xưa bây giờ không còn nữa, các anh chị em họ hàng đồng lứa với tôi bây giờ cũng đã già, nhiều người vì nhiều lý do phải tha hương. Với tôi, những hình ảnh thân thương, bao kỷ niệm giản dị ấy vẫn còn mãi, dường như nó đã hun đúc cho mình thêm tình yêu quê hương, cội nguồn. Sống chết cũng nâng niu cất giấu nó vào lòng, chứ không vứt bỏ bao giờ.
(PL)- Lần đầu tiên, Cục Điện ảnh cùng ngồi lại với bốn ông lớn trong ngành phát hành phim tại Việt Nam để chung tay thúc đẩy thị trường phim Việt sau đại dịch.