Còn ở Asiad 18 tới đây, Olympic Việt Nam không còn bị đánh giá thấp nữa mà ngược lại, các đối thủ rất dè chừng.
Nhớ hồi đá giải U-23 châu Á, học trò ông Park mỗi khi xung trận đều bị xem dưới cơ vẫn chủ động tấn công bài bản và tự tin trước các đối thủ mạnh hơn. Có thể các đội bóng này xem thường đối phương, còn U-23 Việt Nam không bị áp lực và càng chơi càng thăng hoa.
Nhưng với Asiad 18 này, có rất nhiều sức ép đè lên những đôi chân Olympic Việt Nam. Đó là sự kỳ vọng thầy trò ông Park sau thành tích á quân châu lục của hàng triệu người hâm mộ Việt Nam. Khó khăn thứ hai là các đối thủ đã dành cho Olympic Việt Nam một sự tôn trọng với góc nhìn rất khác cùng việc tìm hiểu kỹ hơn.
Từng về nhì U-23 châu Á không có nghĩa Olympic Việt Nam ở Asiad là một thế lực lớn. Trước đây, các đội tuyển Việt Nam khi mang suy nghĩ “kèo trên” thường rất khó đá. Như hồi AFF Cup 2010, thầy trò Calisto dự giải với tư cách đương kim vô địch nên chơi với tư thế hơn người và trả giá đắt, thua 0-2 trước Philippines ngay tại Mỹ Đình. Tương tự, đội Malaysia từng chấp nhận đá thế “kèo dưới” rồi dùng đủ trò tiểu xảo để đánh bại và loại tuyển Việt Nam.
Nói thế để thấy rằng Olympic Việt Nam tại Asiad 18 này gánh nhiều áp lực, đặc biệt là tư tưởng “kèo trên” buộc ông Park phải hóa giải cho những đôi chân học trò thanh thoát hơn.