Càng nóng hơn khi trước đó nhiều trường tổ chức thi thử, thi học kỳ đã ra đề liên quan đến sự kiện này.
Ghi nhận của PV tại TP.HCM và Hà Nội.
Thời sự biển đảo: soạn riêng một giáo án ôn thi
"Lòng yêu nước và tự hào dân tộc là một trong những nội dung quan trọng tôi lưu ý học sinh trong đề văn nghị luận xã hội khi ôn tập. Đặc điểm của bài văn nghị luận xã hội là gắn với vấn đề thời sự đang diễn ra trong đời sống. Vì thế, cho dù đề thi hỏi trực tiếp hay không thì vẫn có thể lựa chọn cách triển khai bài viết bày tỏ suy nghĩ liên quan tới vấn đề thời sự biển Đông" Cô Trần Lệ Huyền (giáo viên Trường THPT Kim Liên, Hà Nội) |
Theo ông Ngô Tương Đại, phó hiệu trưởng Trường THCS-THPT Quang Trung Nguyễn Huệ, TP.HCM, tình hình thời sự có liên quan đến biển đảo được nhà trường cập nhật và phổ biến cho học sinh ở những buổi chào cờ đầu tuần.
Nhưng riêng với học sinh lớp 12 thì nội dung trên được lồng vào chương trình ôn thi tốt nghiệp THPT của môn văn, sử, địa.
Trong đó, giáo viên môn địa đặc biệt quan tâm đến nội dung biển đảo nên đã soạn riêng một giáo án ôn thi cho nội dung này, mặc dù trường chúng tôi chỉ có 24/163 học sinh lớp 12 đăng ký thi môn địa”.
Ông Trần Văn Quang, giáo viên môn địa Trường Quang Trung Nguyễn Huệ, cho biết: “Chương trình lớp 12 có ba bài học nói về biển đảo: hai bài dạy trong học kỳ 1, còn lại bài 42 (Vấn đề phát triển kinh tế - an ninh quốc phòng ở biển Đông và các đảo, quần đảo của nước ta) chúng tôi mới dạy cho học sinh ở thời điểm tháng 4-2014. Trong bối cảnh tình hình “nóng” như hiện nay và bao gồm rất nhiều vấn đề, tôi đã soạn riêng 15-16 câu hỏi nhằm giúp học sinh nắm được các vấn đề cốt lõi”.
Theo ông Quang các tiết ôn thi về biển đảo học sinh tập trung hơn, phát biểu sôi nổi hơn: “Khi tôi phân tích về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, khi tôi đưa ra những căn cứ, tài liệu từ thời chúa Nguyễn để chứng minh Trường Sa, Hoàng Sa là của VN, nhiều học sinh ức lắm”. Tôi phải đưa các em về bài học: chủ trương tăng cường đối thoại, hợp tác, về con đường hòa bình để bảo vệ lợi ích chính đáng, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của ta” để các em nắm rõ thêm”.
Cũng theo ông Quang, có học sinh đã trình bày băn khoăn của mình rằng: “Mọi công dân phải có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước. Vậy bây giờ em phải làm gì?”. Tôi khẳng định với học sinh: nhiệm vụ của các em là nghiên cứu và học tập. Tôi kể cho các em nghe về tình hình xung quanh việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 những ngày gần đây và phân tích cho các em thấy ta cần có tàu, có hệ thống báo động, có trang thiết bị thông tin liên lạc... hiện đại. Khi nào nền khoa học kỹ thuật của ta phát triển thì các nước khác mới nể sợ”.
Ghi nhận của chúng tôi, mặc dù không có sự chỉ đạo nào nhưng hầu hết giáo viên ở TP.HCM đều lồng nội dung thời sự biển đảo vào chương trình ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12.
Cô Hoàng Thị Thu Hiền - giáo viên môn văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM - thông tin: “Mỗi giáo viên có cách dẫn dắt của mình để học sinh hiểu đúng, có cách nhìn đúng về tình hình thời sự nước nhà. Trong quá trình ôn thi, tôi lồng những điều mình cần chuyển tải vào các tác phẩm mà học sinh đã học như: Đất nước, Những đứa con trong gia đình, Rừng xà nu, Đất nước đứng lên."
"Đó là tinh thần yêu nước, là thời kỳ dựng nước của các vua Hùng, là thời kỳ giữ nước qua các cuộc kháng chiến. Khi giáo viên nhắc đến vấn đề biển đảo, học sinh không những chú ý lắng nghe mà còn hăng hái phát biểu, nêu thắc mắc rất nhiều... Điều này cho thấy giới trẻ rất quan tâm đến vận mệnh của Tổ quốc, đất nước mình”. - Cô Hiền nói.
Giáo dục ý thức khi chủ quyền đang bị đe dọa
Cũng như TP.HCM, tại Hà Nội không khí “biển, đảo” nóng trong từng buổi học. Tại các buổi ôn tập môn văn của học sinh lớp 12, những buổi học cuối cùng đều được giáo viên dành để ôn tập cho học sinh “chủ đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”.
Nguyễn Thu Thảo, học sinh lớp 12 Trường THPT Kim Liên, cho biết: “Cô giáo dạy địa lý dành cả một buổi để hướng dẫn ôn tập những vấn đề về biển đảo. Vì thế một số bạn đăng ký thi môn địa lý cũng như em đều làm đề cương và học phần này rất cẩn thận”.
“Với vai trò quan trọng chiến lược của biển Đông và đáp ứng yêu cầu giáo dục tư tưởng - chính trị xuyên suốt quá trình dạy - học, có thể dự đoán nhiều khả năng vấn đề biển Đông xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp địa lý năm nay. Các bài học liên quan nhiều đến biển Đông là vị trí, phạm vi lãnh thổ; thiên nhiên chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển, vấn đề phát triển ngành thủy sản; vấn đề phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng ở biển Đông và các đảo, quần đảo” - thầy Nguyễn Quốc Lịch, giáo viên dạy địa lý Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, chia sẻ.
Theo một giáo viên dạy địa lý khác ở Trường THPT Trần Phú thì “Xu hướng ra đề thi mở được Bộ GD-ĐT chú trọng không chỉ với môn ngữ văn mà có thể xuất hiện ở những môn thi khác, trong đó có môn địa lý. Rất nhiều kiến thức địa lý nằm trong phạm vi nội dung có thể ra đề thi liên quan tới biển Đông...
Đề thi có thể từ những yêu cầu tái hiện kiến thức trong chương trình - sách giáo khoa, yêu cầu học sinh đánh giá về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc giữ gìn chủ quyền biển đảo...
Nhận định vấn đề biển Đông đang “nóng” nên không riêng tôi mà hầu hết giáo viên địa lý đều định hướng cho học sinh ôn tập kỹ phần biển đảo”.
Theo cô Trịnh Thu Tuyết, Trường THPT Chu Văn An: “Bản chất của các môn khoa học xã hội là khoa học phải gắn bó mật thiết với xã hội. Bất kỳ thời điểm nào, muốn thi tốt các môn này các em nắm vững kiến thức cơ bản thì chưa đủ, mà còn phải biết gắn kết với các sự kiện nóng trong dư luận xã hội để có những liên hệ khi làm bài”.
Đây là lý do cô Tuyết đã đưa vấn đề chủ quyền biển đảo và sự kiện “giàn khoan trái phép” vào một đề kiểm tra dành cho học sinh của mình.
Còn cô Nguyễn Kim Anh, Trường THPT Phan Huy Chú, thì với cấu trúc đề thi năm nay, nếu vấn đề biển Đông được đưa vào đề thi có thể sẽ rơi vào phần đọc hiểu từ một văn bản bất kỳ và phần viết nghị luận xã hội: “Mặc dù đề nghị học sinh không được học tủ, học lệch nhưng chúng tôi vẫn dành thời gian nói về vấn đề thời sự này, vừa để học sinh có thể nắm được vấn đề để làm bài thi tốt nếu đề thi có câu hỏi tương tự, vừa là cơ hội giúp học sinh liên hệ từ kiến thức tới thực tế, giáo dục ý thức cho các em trong thời điểm chủ quyền dân tộc đang bị đe dọa”.
Nóng trong giờ học Theo cô Hiền, đa số câu hỏi của học sinh tập trung vào việc: “Trung Quốc ngang ngược và khiêu khích như thế, tại sao mình không đánh đuổi đi?”. Có em còn tỏ ra am hiểu lịch sử khi nói rằng: “Tuy Trung Quốc mạnh hơn nước mình nhưng không có gì ngại bởi trong quá khứ mình đã thắng các nước lớn hơn như Mỹ, Pháp”. “Tôi giải thích rằng các em không sống trong giai đoạn chiến tranh nên chưa biết đói, khổ như thế nào. Cho dù mình thắng thì cái giá phải trả cũng rất đắt với bao nhiêu mất mát, đau thương. Tôi hỏi học sinh: các em muốn được cơm no áo ấm hay muốn đói khổ? Tất cả đều trả lời: muốn được ấm no. Tôi nói: các em hãy tiếp nối truyền thống cha anh, bảo vệ và xây dựng đất nước giàu mạnh. Nhưng cách bảo vệ khôn ngoan nhất là tránh chiến tranh”. |