Ông bí thư của người Đan Lai

Năm nay, ông Yêu bước sang tuổi 68, cái tuổi rét sương dễ làm cho di chứng vết thương chiến tranh trong ông đau nhức nhưng ông vẫn tiếp tục âm thầm cống hiến cuộc đời cho tộc người Đan Lai.

Rời “xứ ngủ ngồi” đi đánh Mỹ

Phải mất gần 3 tiếng đồng hồ, con thuyền đuôi én loại 12 CV mới đưa chúng tôi từ trung tâm xã Môn Sơn vượt hơn 20 ghềnh, thác vào đến bản Cò Phạt - vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Sau hai năm trở lại, tôi thấy bản Cò Phạt với hàng chục mái nhà tươm tất hơn. Và nay người Đan Lai không còn cảnh ngủ ngồi trong đêm tối. Con đường đất trong bản cũng được dọn sạch sẽ. Thay vì nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm nhà sàn như trước đây thì dân bản đã biết di chuyển ra nuôi ở ngoài vườn.

Thượng úy Trịnh Xuân Vinh, Trạm trưởng Trạm biên phòng bản Cò Phạt, cho biết: “Hơn 45 năm trước, ông La Văn Yêu rời chốn sơn cùng thủy tận này nhập ngũ chiến đấu ở chiến trường Lào và cả phía nam. Nay ông là người bí thư chi bộ tận tụy với bản làng, đi đầu trong công tác bảo tồn và phát triển tộc người Đan Lai. Ngày đêm ông lội bộ cùng các chiến sĩ biên phòng đi tuyên truyền nếp sống văn hóa, chống thuyền ngược sông cấp phát gạo cho dân, dạy người Đan Lai trồng trọt trên các rẻo đất ven bờ sông Giăng. Trông ông Yêu hiền từ và ít nói vậy nhưng ông nói là dân cả bản tin, nghe theo”.

Ông bí thư của người Đan Lai ảnh 1

Ông La Văn Yêu trên đường đến với bà con Đan Lai ở bản Búng (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An). Ảnh: ĐẮC LAM

Ngày ông Yêu sinh ra, tộc người Đan Lai vẫn còn tập tục trẻ vừa sinh ra là nhúng xuống dòng nước sông Giăng và tập tục ngủ ngồi. Khi người em thứ ba ra đời thì cha ông Yêu bỏ mẹ con “về với trời”. Bốn anh em phải đi ở nhà chú. Năm ông Yêu lên 15 tuổi, khi ấy có thầy giáo vào “cắm” bản Búng, ông Yêu đi học con chữ đầu đời và được thầy giáo đặt tên Yêu, mang họ La Văn - họ chung của tộc người Đan Lai. 18 tuổi, ông Yêu là người đầu tiên của bản Búng được kết nạp vào đoàn thanh niên. Một năm sau, ông Yêu theo thầy giáo kết bè nứa xuôi dòng sông Giăng ra trung tâm xã. Từ trung tâm xã Môn Sơn, ông Yêu đi bộ ra huyện Con Cuông, xung phong vào quân ngũ. Năm 1965, ông Yêu sang chiến đấu ở cánh đồng Chum, Thượng Lào. Sau đó là những trận đánh từ Quảng Trị, Huế, Quảng Nam. Tháng 6-1978, sau hơn 16 năm tham gia kháng chiến, ông Yêu rời quân ngũ với quân hàm trung úy.

Ngày trở về, nhiều người khuyên ông nên ở lại trung tâm huyện Con Cuông, cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn vào bản Búng - nơi khó khăn và xa nhất. Nhưng ông từ chối, mang ba lô lội bộ về bản, rồi xây dựng gia đình với một phụ nữ người Đan Lai và làm cán bộ từ đó cho đến nay.

Nhà ông Yêu ở nơi lưng chừng núi rừng, cao nhất so với các nhà trong bản Cò Phạt. Trong gian chính căn nhà sàn, ông treo trang trọng huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

Rời bản làng cũ để giúp dân

Hai năm trước, gia đình ông Yêu còn ở trong bản Búng. Trước thực trạng bản Cò Phạt còn có quá nhiều hủ tục lạc hậu, dân đói nghèo, huyện và xã cử ông Yêu ra làm bí thư bản Cò Phạt để vực bản lên. Vậy là sau 30 năm làm trưởng bản và bí thư bản Búng, ông Yêu vận động vợ con dời nhà ra bản Cò Phạt để nhận nhiệm vụ mới. Hiện bản Cò Phạt có 76 hộ, gần 400 nhân khẩu người Đan Lai nhưng chỉ có năm đảng viên, trong đó một người là chiến sĩ biên phòng cắm bản.

Ông bí thư của người Đan Lai ảnh 2

Ông La Văn Yêu chống thuyền đưa đoàn cứu trợ đi phát gạo và quà tết cho dân bản Đan Lai. Ảnh: ĐẮC LAM

Ông Yêu tâm sự: “Trước đây, nơi người Đan Lai ở có nhiều cá suối và con ong, con thú nên dân bản không thiếu thực phẩm. Cách đây gần 10 năm khu rừng này vẫn còn có sao la và hổ nên dân không dám vào rừng sâu. Nhưng từ năm 2002, Pù Mát trở thành vườn quốc gia, việc quản lý rừng nghiêm ngặt, dân chỉ còn được vào rừng bứt dây và lấy măng rừng về bán. Khó nhất là vận động để dân bản không du canh, du cư và chặt, đốt phá rừng, săn bắt thú quý. Muốn nói cho dân nghe thì mình là cán bộ phải gương mẫu đi trước, làm trước thôi. Nhiều người Đan Lai chưa được học và chưa đi ra ngoài trung tâm xã nhiều nên cái óc chưa sáng, chưa biết luật chi hết, mình phải khuyên nhủ và tuyên truyền theo kiểu mưa dầm thấm lâu thôi”.

“Ở bản Cò Phạt và bản Búng chưa có đường bộ vào và không có điện thoại. Mỗi khi huyện và xã mời ông Yêu ra họp, chúng tôi phải chuẩn bị thư tay và nhắn lời gửi người đi bè nứa và đi thuyền vào bản đưa và nói với ông trước cả tuần” - bà Ngân Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Môn Sơn, cho biết.

Mỗi khi nhận được thư hay lời nhắn “ra họp”, thì ông Yêu phải đứng bên sông Giăng chờ để ké lên thuyền ra trung tâm xã. Thuyền ra ngày có, ngày không nên ông Yêu thường phải ra trước một, hai ngày để ở trọ người quen, ngày hôm sau kịp họp. Có khi họp xong không có thuyền trở vào, ông lại phải tá túc tạm chờ thuyền. Mỗi chuyến thuyền đi ra vào hết hơn 100.000 đồng, nếu tháng nào phải ra trung tâm xã và huyện họp ba lần thì phụ cấp tháng đó không đủ tiền đi thuyền.

Trăn trở bảo tồn Đan Lai

Ông Yêu nói làm cán bộ ở nơi cách quá xa trung tâm xã và thị trấn huyện nhiều lúc vợ con nói mình xin nghỉ cho khỏe nhưng rồi vì thương đồng bào mình nghỉ không đành.

Ông bí thư của người Đan Lai ảnh 3

Người dân Đan Lai ở bản Cò Phạt không còn cảnh ở chung cùng heo, gà, trâu, bò trong nhà sàn. Ảnh: ĐẮC LAM

“Người Đan Lai ở bản Cò Phạt vẫn còn hủ tục tảo hôn, nhiều đàn ông nghiện rượu. Thanh niên hiện nay không còn lấy hai vợ như trước đây nhưng thường vẫn sinh nhiều con. Hộ nghèo, đói ở bản vẫn còn nhiều do đất sản xuất quá hẹp. Người Đan lai còn nghèo, gia đình mình cũng còn khó khăn, nhiều lúc đi ra thị trấn huyện thấy cũng buồn tủi. Mỗi hộ thu hoạch chỉ đủ ăn khoảng ba tháng. Nhiều trẻ em tốt nghiệp tiểu học ở bản không có điều kiện để ra trung tâm xã trọ học lên tiếp. Nhiều lần đi họp HĐND huyện Con Cuông, tôi đã đề xuất và cả đấu tranh cho con đường bộ kết nối người Đan Lai với thế giới bên ngoài. Nay thì con đường đang bắt đầu mở vào đó. Có đường bộ thì hàng hóa sẽ thông thương vào bản, trẻ em ra trung tâm xã trọ học thuận tiện hơn. Tôi cũng đã đề xuất lên cấp trên, trong tương lai phải tiếp tục đưa một số hộ dân Đan Lai ra khu tái định cư chứ không thể ở đói nghèo trong vùng lõi mãi được. Trước mắt chúng tôi đang vận động các cháu tiếp tục ra trọ học lên cấp hai và cao hơn nữa” - ông Yêu nói.

Bà Ngân Thị Hà cho biết: “Không chỉ ông Yêu là người gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào mà gia đình các con ông cũng là người gương mẫu để dân bản học theo”.

NGUYỄN ĐẮC LAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm