Theo bài phân tích trên tờ South China Morning Post ngày 23-10, việc ứng viên Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3-11 tới có thể sẽ đưa nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên "trở nên quen thuộc hơn".
Ứng viên Joe Biden. Ảnh: CFR
Ông Biden nhất quán hơn
Bài phân tích chỉ ra cách tiếp cận không chính thống của Tổng thống Donald Trump đối với Triều Tiên khi ông đe dọa cứng rắn và tăng cường trừng phạt nhưng sau đó lại gặp Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và trao đổi những bức thư "đẹp đẽ".
Theo các nhà phân tích và các cựu quan chức Mỹ, dưới thời ông Biden, mối quan hệ cá nhân và hội nghị thượng đỉnh có thể sẽ tạo tiền đề cho ngoại giao truyền thống và thúc đẩy sự phối hợp tốt hơn giữa các đồng minh của Mỹ.
Ông Daniel Russel - người từng làm việc với cựu phó tổng thống với tư cách là nhà ngoại giao hàng đầu của Đông Á dưới thời chính quyền Obama, cho biết cách tiếp cận của ông Biden sẽ phá vỡ phong cách "bốc đồng, không nhất quán, cá nhân hóa cao và không thành công" của ông Trump.
Ông Russel cho biết: "Điều này sẽ một phần mang tính hệ thống vì ông Biden hoàn toàn biết cách sử dụng hiệu quả bộ máy an ninh quốc gia của chính phủ Mỹ, và ông ấy sẽ không bỏ qua chuyên môn của họ.
Ông Biden - người hiện dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, cũng đã chỉ trích việc ông Trump nới lỏng các biện pháp trừng phạt và đình chỉ các cuộc tập trận quân sự trong thời gian đối thoại với ông Kim. Ngoài ra, ông cũng cáo buộc việc ông Trump khiến quan hệ với Hàn Quốc và Nhật của Mỹ xấu đi bằng cách tố cáo các đồng minh "hưởng lợi" từ việc Washington đảm bảo an ninh cho họ.
Củng cố lại liên minh Mỹ-Hàn
"Ông Biden không chỉ đảm bảo sự phối hợp cần thiết giữa các cơ quan chính phủ, mà còn ưu tiên phối hợp chặt chẽ chính sách với các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc và Nhật, cũng như với các đối thủ khó chịu nhưng cần thiết như Trung Quốc".
Theo chuyên gia an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Jong-ha, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ hoan nghênh sự tôn trọng của ông Biden đối với liên minh Mỹ-Hàn, mặc dù chính quyền của ông có thể lo ngại rằng việc ông tiếp tục chính sách "kiên nhẫn chiến lược" của cựu tổng thống Barack Obama sẽ cản trở chương trình hòa giải liên Triều của ông.
"Có thể có xung đột giữa Hàn Quốc và Mỹ trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên, nhưng thay vì xuất hiện như một cuộc xung đột mở như trong chính quyền ông Trump, cả hai bên sẽ giải quyết vấn đề Triều Tiên dựa trên các kết luận đã rút ra" - ông Kim phân tích.
Cùng Trung Quốc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên
Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể dễ dàng tiếp nhận việc hợp tác với chính quyền Biden về phi hạt nhân hóa vì nó sẽ ít có khả năng "đe dọa trực tiếp" đến Bắc Kinh - ông Tong Zhao, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh cho biết.
Để củng cố quan điểm của mình, ông Tong nhắc lại việc ông Biden đã nói rằng ngoài việc tăng cường liên minh với Hàn Quốc, ông sẽ thúc đẩy Trung Quốc thuyết phục Triều Tiên giải giáp vũ khí.
"Bắc Kinh có thể mong đợi một cơ hội để thiết lập lại quan hệ song phương với ông Biden tại Nhà Trắng. Để thay đổi mối quan hệ với Mỹ, Trung Quốc có thể nêu lên tiềm năng hợp tác song phương trong việc cùng giải quyết các thách thức hạt nhân và an ninh trên bán đảo Triều Tiên" - ông Tong nói.
"Chính sách về Triều Tiên của chính quyền ông Biden cũng có thể tạo cơ hội cho Mỹ, Trung Quốc và các nước ở Đông Bắc Á bắt đầu đối thoại thực chất và có chiều sâu trên lộ trình phi hạt nhân hóa và các yếu tố hướng tới một chế độ hòa bình mới" - ông lưu ý thêm.