Chiều 9-1, sau phần tham gia xét hỏi của đại diện VKS, luật sư Phan Trung Hoài tham gia xét hỏi thân chủ là ông Đinh La Thăng.
Ông Thăng nhiều lần nhận trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu PVN đã chỉ đạo quyết liệt, có phần nóng vội dẫn đến sai phạm nhưng hoàn toàn không có động cơ cá nhân nào.
Ông Đinh La Thăng cho biết giai đoạn 2006 đến tháng 8-2011, ông được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ là chủ tịch HĐTV PVN, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ĐBQH.
Theo ông Thăng, dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 nằm trong số nhiều dự án về điện (gồm điện khí, điện than, điện gió), nằm trong chiến lược phát triển của PVN và Điện lực Việt Nam. Đây là dự án đặc biệt quan trọng, tiến độ cấp bách, được Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế đặc thù. Ông Thăng giải thích, cơ chế đặc thù, nói đơn giản là cơ chế “vừa thiết kế vừa thi công”.
. Chính phủ yêu cầu triển khai dự án ở thời điểm nào. Đến lượt mình, ông ép phải triển khai tiến độ đó ra sao?
+ Đây là dự án cấp bách nên được thực hiện theo cơ chế đặc thù. CP yêu cầu khởi công trong quý 1-2009. Tập đoàn phải triển khai theo đúng tiến độ nên HĐTV cũng ép các cấp của tập đoàn phải triển khai thực hiện dự án này cách nhanh nhất.
. Sau 10 năm nhìn lại, ông có thấy việc ép tiến độ có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc triển khai thực hiện có những phát sinh hệ lụy về pháp lý cũng như hậu quả?
+ Bây giờ, sau 10 năm nhìn lại, đặc biệt sau khi làm việc với cơ quan điều tra, VKS và quá trình làm việc tại tòa, chúng tôi có đầy đủ thông tin mà lúc triển khai chúng tôi không nắm được. Với sự chỉ đạo quyết liệt của CP, bản thân tôi cũng chỉ đạo hết quyết liệt, có lúc nôn nóng, nóng vội. Bản thân tôi thấy có những việc do ép tiến độ mà anh em cấp dưới không đủ điều kiện cần thiết để thực hiện, dẫn đến vi phạm quy trình, thủ tục không bảo đảm, dẫn đến một số vi phạm. Quá trình điều tra, tôi đã nhận trách nhiệm của người đứng đầu. Mong HĐXX xem xét dự án này trong bối cảnh 10 năm về trước, đặc biệt, PVN là tập đoàn kinh tế lớn quốc gia, cùng lúc triển khai rất nhiều dự án trọng điểm. Trong bối cảnh hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa hoàn thiện... Rất mong HĐXX xem xét trong bối cảnh như vậy, trong bối cảnh mô hình tập đoàn kinh tế thực hiện thí điểm trong giai đoạn đầu, trong bối cảnh tiến độ hết sức căng thẳng... Bị cáo mong muốn HĐXX xem xét dự án trong bối cảnh như vậy.
. Liên quan đến năng lực của PVC, Tập đoàn có báo cáo, Thủ tướng Chính phủ có cho phép lựa chọn PVC là tổng thầu của dự án hay không?
+ Sáng nay tôi đã báo cáo HĐXX, báo cáo chủ tọa và thẩm phán, PVC đã làm các dự án tương tự, tất nhiên phạm vi giữa tổng thầu và liên doanh khác nhau. Năng lực PVC đã được kiểm nghiệm qua một số dự án như Nhiệt điện Cà Mau 1, Cà Mau 2... Có dự án đã giao cho liên doanh PVC và Lilama đã mang lại hiệu quả hơn 100 triệu USD. Bản thân dự án này khi có quyết định đấu thầu quốc tế rồi, bản thân bị cáo đã báo cáo, nếu Chính phủ cho phép bị cáo tìm nhà thầu trong nước triển khai, nếu không đạt được 100 triệu USD bị cáo xin từ chức. Thực tế dự án đó đã đạt được trên 100 triệu USD.. “PVC là nhà thầu có đủ năng lực về tài chính và kinh nghiệm để triển khai dự án này” - ông Thăng khẳng định.
Bị cáo Đinh La Thăng đang trả lời tòa. Ảnh: TTXVN
Liên quan đến việc ký kết Hợp đồng số 33, theo ông Thăng, HĐTV PVN không phải là chủ tài khoản, nên trách nhiệm đàm phán, ký kết hợp đồng không phải là HĐTV. Tới khi vụ án xảy ra, khi làm việc với cơ quan điều tra, VKS, bị cáo mới được biết đến Hợp đồng 33. Với trách nhiệm là chủ tịch HĐTV, bị cáo không nhận được bất cứ báo cáo nào của ban giám đốc, ban quản lý hay bất cứ cá nhân nào về việc Hợp đồng 33 sai thủ tục, thiếu căn cứ pháp lý...
Ông Thăng nói bị cáo Phùng Đình Thực (nguyên TGĐ PVN) đã làm hết trách nhiệm, đã thành lập ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các phó TGĐ, chỉ đạo hết sức nghiêm túc... Chịu trách nhiệm tạm ứng thuộc về chủ đầu tư, ban điều hành, bản thân bị cáo không chỉ đạo bất cứ việc gì về tạm ứng, đây không phải là nhiệm vụ của chủ tịch HĐTV. Bị cáo không chỉ đạo các vấn đề cụ thể như chuyển tiền vào lúc nào, chuyển bao nhiêu tiền.
Ông Thăng cũng cho biết ông chỉ kết luận, việc chuyển tiền thực hiện theo quy định của pháp luật, tiền tạm ứng chỉ được sử dụng cho Thái Bình 2.
. Sáng nay ông đã nhận trách nhiệm của người đứng đầu Tập đoàn?
+ Bản thân bị cáo khi lãnh đạo Tập đoàn luôn chỉ đạo bên dưới là tiến độ rất quan trọng nhưng phải thực hiện đúng quy định của pháp luật. Sau 10 năm nhìn lại, được sự giúp đỡ của cơ quan điều tra, VKS và bản thân các câu hỏi của HĐXX cũng như các cơ quan, bị cáo thấy việc triển khai dự án sai về hồ sơ, thủ tục. Điều này có trách nhiệm của bị cáo với tư cách là người đứng đầu. Đối với anh em tham gia dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, vì tiến độ căng thẳng như vậy, vì sự chỉ đạo quyết liệt của bị cáo mà anh em không đủ thời gian vật chất cần thiết để triển khai công trình, dẫn đến có vi phạm. Bị cáo xin nhận trách nhiệm cho anh em về việc đó.
Khi được luật sư hỏi, ông Thăng đã liệt kê một số kết quả của PVN khi ông làm chủ tịch HĐTV. Cụ thể, PVN đã trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu, trụ cột của đất nước, tất cả chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, tăng trưởng vốn đều tăng từ ba đến bảy lần.... Trước đây toàn bộ việc thực hiện dịch vụ dầu khí trên biển, PVN phải thuê của nước ngoài, sau ba năm Tập đoàn đã tự thực hiện được, không phải thuê của nước ngoài, mỗi năm mang lại lợi nhuận 2-3 tỉ USD, lần đầu tiên đóng được giàn khoan trên biển...
“Mong HĐXX xem xét hành vi, bản chất thực của dự án trong bối cảnh 10 năm về trước để xem xét đánh giá toàn diện và trong xu thế vận động phát triển, có cái nhìn về tương lai, đồng thời xem xét nỗ lực đóng góp của tập thể ngành dầu khí. Bản thân bị cáo cũng rất day dứt, trăn trở” - ông Thăng nói thêm.
Phiên tòa vẫn đang tiếp tục với phần tham gia xét hỏi của các luật sư.