Ông Quốc nói: “Để tìm hiểu cội nguồn của chữ quốc ngữ là một quá trình và sự cố gắng tìm tòi của các nhà khoa học trong thời gian dài. Chữ quốc ngữ như một dòng sông hợp lưu từ rất nhiều dòng suối khác nhau, đóng góp của rất nhiều người khác nhau. Tất nhiên chữ quốc ngữ được hình thành trong thực tiễn lịch sử, thời kỳ nhất định, đáng nói việc ra đời chữ quốc ngữ xuất phát đầu tiên từ nhu cầu truyền đạo của các giáo sĩ vào thế kỷ 17”.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: HUY TRƯỜNG
Lý giải về chữ quốc ngữ, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng trong một thời gian khá dài, chúng ta nhắc đến Alexandre de Rhodes có vai trò rất lớn trong việc đóng góp vào quá trình hình thành chữ quốc ngữ.
“Thế nhưng quan trọng là những di cổ để lại như từ điển Việt - Bồ - La hay cuốn Phép giảng tám ngày, chính trong sách của mình người này cũng nói rất rõ việc viết từ điển cũng dựa vào thành quả của hai người đi trước. Từ đó cho thấy để hình thành chữ quốc ngữ như hiện nay là cả một quá trình, có nhiều thế hệ, nhiều đóng góp từ chỗ lên ý tưởng ban đầu cho đến việc thử nghiệm đầu tiên” - ông Quốc phân tích.
Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: HUY TRƯỜNG
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, quả thực trong điều kiện tư liệu lúc đó thì ông Alexandre de Rhodes là người đóng góp rất lớn đến việc hình thành chữ quốc ngữ.
“Nhưng sau này, khi chúng ta có điều kiện nghiên cứu cao hơn cùng với nguồn tư liệu mới hơn mới thấy được ông Francisco de Pina không những là người đi trước mà còn được gọi là bậc thầy. Ông đã để lại nhiều dấu ấn, bằng chứng lịch sử để thấy rằng ông là người sớm nhất, giỏi tiếng Việt nhất vào thời điểm ấy. Chính vì thế chúng ta phải tôn vinh một cách công bằng nhưng không phải vì thế mà chúng ta hạ thấp người này, nâng cao người kia” - nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho rằng quá trình hình thành chữ quốc ngữ là cả một tiến trình, nhiều người tham gia trong quá trình hình thành chữ quốc ngữ.
“Trong đó, cần xác nhận vai trò của người tiên phong sáng tạo trong tiến trình hình thành chữ quốc ngữ. Nhưng quan trọng nhất chính là chủ thể tiếp nhận nó, người dân Việt Nam đã tiếp nhận nó như thế nào, vì sao phải tiếp nhận nó, đó chính là vấn đề cần phải có lời giải. Nhưng dù sao việc hình thành chữ quốc ngữ đã đóng góp vào việc hình thành ngôn ngữ dân tộc, chữ viết của chúng ta ngày nay” - nhà sử học nhìn nhận.