Ông Duterte thay đổi quan điểm về biển Đông

Trong khuôn khổ chuyến công du đến Brunei trong hai ngày, ngày 17-10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã hội đàm với quốc vương Haji Hassanal Bolkiah Mu’izzaddin Waddaulah.

Hai bên thảo luận về các lĩnh vực hợp tác bao gồm thương mại, đầu tư, quốc phòng và an ninh.

Sau chuyến thăm Brunei, ông Duterte sẽ lên đường sang Trung Quốc trong chuyến thăm bốn ngày.

Báo Philippine Star đưa tin hôm 16-10, phát biểu tại sân bay quốc tế ở Davao trước khi lên đường sang Brunei, Tổng thống Duterte đã thay đổi quan điểm.

Ông tuyên bố chính phủ sẽ không đàm phán về tranh chấp ở biển Đông trong chuyến thăm Bắc Kinh lần này của ông.

Ông nói ông sẽ tiếp tục nhấn mạnh với Trung Quốc yêu sách của Philippines và ông sẽ bàn đến phán quyết của Tòa Trọng tài (kết luận “đường chín đoạn” của Trung Quốc không có giá trị pháp lý).

Tổng thống Duterte gặp gỡ các công dân Philippines tại Brunei ngày 16-10. Ảnh: AP

Tuy nhiên, ông cho biết “sẽ không có những đòi hỏi khó khăn nào” (đối với Trung Quốc).

Ông phát biểu: “Chúng ta sẽ nói chuyện và chúng ta có thể sẽ giải thích về phán quyết và ấn định giới hạn lãnh thổ của chúng ta, vùng đặc quyền kinh tế. Không có thương lượng gì ở đó vì ở đó là của chúng ta”.

Phát biểu thay đổi quan điểm của Tổng thống Duterte được đưa ra do hai hôm trước, Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio đã khẳng định nếu trong chuyến đi Trung Quốc lần này, ông Duterte nhượng bộ Trung Quốc trong quá trình đàm phán về chủ quyền bãi cạn Scarborough thì xem như ông sẽ vi phạm hiến pháp và có thể bị bãi nhiệm.

Khi báo chí hỏi về nhận xét như thế của Phó Chánh án Antonio Carpio, Tổng thống Duterte khẳng định: “Ông ấy nói đúng. Tôi có thể bị bãi nhiệm. Đó là vấn đề pháp lý và do đó tôi đồng ý với ông ấy”.

AP ghi nhận ông Duterte là luật sư và đã từng có thời gian làm công tố viên nên chắc chắn hiểu rõ hiến pháp.

Tổng thống Duterte giải thích: “Chúng ta không thể trao đổi cái gì đó không thuộc về chúng ta. Cái đó thuộc về nhân dân Philippines… Tôi không thể là viên chức nhà nước duy nhất có thẩm quyền làm điều đó vì hiến pháp không cho phép”.

Ông cho biết khi đến Trung Quốc, ông sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang.

Ông đánh giá đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của tổng thống Philippines kể từ năm 2011 và chuyến thăm sẽ đánh dấu bước ngoặt lịch sử của hai nước.

Hãng tin Bloomberg bình luận chính sách liên quan đến Trung Quốc của ông Duterte tương tự như bà Tổng thống Gloria Arroyo (năm 2001-2010).

Lúc đó bà Arroyo đã đạt thỏa thuận với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đầu tư dự án đường sắt trị giá 500 triệu USD nối liền thủ đô Manila với các tỉnh miền Bắc. Dự án này cuối cùng bị gác lại dưới thời Tổng thống Aquino.

Bà Gloria Arroyo đã thăm Trung Quốc năm 2004.

Trong khi đó, Tổng thống Aquino (2010-2016) đã hai lần sang thăm Trung Quốc, lần đầu năm 2011 đã gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và lần thứ hai năm 2014 để tham dự Hội nghị cấp cao APEC.

Chuyến thăm Trung Quốc dự kiến vào năm 2013 của Tổng thống Aquino cuối cùng bị hủy do căng thẳng ở biển Đông.

Báo New Straits Times (Malaysia) đưa tin ngày 17-10, Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố trước Quốc hội là chính phủ sẽ không có bất kỳ nhượng bộ nào về chủ quyền quốc gia trong giải quyết tranh chấp ở biển Đông. Ông khẳng định Malaysia duy trì quan điểm giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và đàm phán hòa bình, tránh hành động khiêu khích.

Ông giải thích cũng vì mục đích ấy mà ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và hiện giờ đang nỗ lực thiết lập Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “DOC và COC không phải là những công cụ để giải quyết vấn đề yêu sách chồng lấn ở biển Đông”.

________________________________

Chúng ta giữ lấy yêu sách của chúng ta. Chúng ta không thương lượng gì hết.

Tổng thống RODRIGO DUTERTE

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm