Phát biểu tại một cuộc họp báo tại sân bay quốc tế ở Davao, miền Nam Philippines, ngày 30-9, ông Duterte nói: “Hitler đã giết hại ba triệu người Do Thái. Giờ đây, ở đất nước Philippines này có ba triệu con nghiện. Tôi sẽ lấy làm hạnh phúc khi tàn sát chúng”.
Phát ngôn gây sốc của ông Duterte được đưa ra sau khi ông bị một số người chỉ trích mô tả “giống” Hitler. “Các bạn đã biết nạn nhân của tôi là ai rồi. Tôi muốn tiêu diệt hết bọn tội phạm đó để giải quyết vấn nạn của quốc gia và cứu lấy thế hệ mai sau khỏi sự diệt vong” - ông Duterte nói.
Bằng cách nói lấp lửng mà ai cũng có thể hiểu, ông Duterte thốt ra: “Nếu như Đức có Hitler thì Philippines cũng có thể có…”.
Kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền Philippines hồi tháng 7 năm nay, hơn 3.300 người Philippines đã bị giết hại. Những người này hoặc bị cảnh sát thẳng tay bắn chết trong các hoạt động chống ma túy về đêm hoặc bị ám sát sau khi cảnh sát nêu tên.
Hơn 3.300 người Philippines đã bị giết hại trong chiến dịch chống tội phạm ma túy của ông Duterte kể từ khi ông lên nắm quyền. Ảnh: Washington Post
Các nạn nhân bị giết hại không qua xét xử này là các tội phạm ma túy, trong số đó có những người bị nhận diện sai, theoWashington Post. Cảnh sát Philippines sẽ liệt ra danh tính của những người này và truy lùng trước khi họ bị buộc tội hay được cho cơ hội ra hầu tòa.
Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đều bày tỏ quan ngại về chiến dịch chống tội phạm ma túy của ông Duterte. Mới đây, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama nêu vấn đề này, ông Duterte thậm chí đã sử dụng từ ngữ thô tục để chỉ trích ông Obama, gọi Obama là “đồ con hoang”.
Vị tổng thống Philippines xem bình luận của ông ngày 30-9 là phản ứng trước sự “đạo đức giả” của châu Âu. “Các bạn đóng cửa biên giới khi vào thời điểm mùa đông. Đó là lúc những người di cư đang cố thoát khỏi Trung Đông. Bạn mặc cho họ lạnh lẽo và rồi bạn lo ngại về cái chết của khoảng 1.000, rồi 2.000, 3.000 người hay sao?” – ông Duterte nói.
Washington Post bình luận, thực chất mặc dù ông Duterte không có ý khen ngợi Hitler nhưng đáng ghi nhận rằng ít nhất có một sự tương tự trong cách thức ông Duterte và lãnh đạo Đức quốc xã – Adolf Hitler nói về sự bạo lực.
Đối với Hitler, sự tàn sát là “giải pháp cuối cùng”. Trong khi đó, Duterte, bằng một giọng bạo lực trong phát ngôn ngày 30-9, xem chiến dịch tiêu diệt tội phạm ma túy của ông là cách duy nhất để “giải quyết vấn nạn” và “cứu” đất nước.