Với 52,14% phiếu bầu trong vòng bầu cử thứ hai ngày 28-5, đánh bại đối thủ Kemal Kilicdaroglu (47,86%), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, hãng thông tấn Anadolu dẫn thông báo của Hội đồng bầu cử tối cao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết. Với chiến thắng này, sau gần 20 năm tại vị, ông Erdogan sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước thêm năm năm nữa, trở thành một trong những nhà lãnh đạo cầm quyền lâu nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhiều nước phản ứng khác nhau với tin ông Erdogan tái đắc cử. Phương Tây thận trọng với viễn cảnh tiếp tục làm việc với ông Erdogan được cho là cứng rắn và khó đoán, trong khi Nga bày tỏ hy vọng cho quan hệ song phương trong thời gian tới.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gặp người ủng hộ sau chiến thắng ngày 28-5 ở thủ đô Ankara. Ảnh: REUTERS |
Nga vui trước chiến thắng của ông Erdogan
Ngay khi ông Erdogan nhận tin tái đắc cử hôm 28-5, ông Putin là một trong những lãnh đạo gửi thông điệp chúc mừng. Thông điệp của nhà lãnh đạo Nga do đài RT đăng tải có nhiều đoạn bày tỏ lời cảm ơn dành cho ông Erdogan vì những đóng góp của cá nhân ông trong việc tăng cường quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo thông điệp chúc mừng của ông Putin, “Chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử là kết quả tự nhiên của nỗ lực làm việc quên mình trong vị trí lãnh đạo quốc gia, là bằng chứng rõ ràng về sự ủng hộ của người dân đối với những cố gắng của ông nhằm củng cố chủ quyền quốc gia và theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập”.
Vụ trưởng Vụ châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Nga Yuri Pilipson cho biết thời gian tới, Moscow mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác cùng có lợi với Ankara và tin tưởng rằng Thổ Nhĩ Kỳ cùng Nga có thể chống lại sức ép của phương Tây, theo hãng tin Sputnik.
Nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một nước có ảnh hưởng lớn trong khu vực, ông Pilipson cho rằng việc nước này theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập là đúng đắn, vì điều đó đảm bảo trước hết lợi ích quốc gia của chính mình. Cách tiếp cận nguyên tắc như vậy góp phần phát triển hợp tác song phương cùng có lợi.
Hãng tin AFP dẫn lời chuyên gia Arkady Dubnov thuộc tổ chức Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ) cho rằng một nhân tố lớn giúp quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ dễ dàng gắn kết là ở việc ông Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin chia sẻ nhiều sự tương đồng về tính cách và quan điểm, đặc biệt là cách nhìn nhận các giá trị của phương Tây.
Đối với ông Putin, quan hệ với ông Erdogan thời điểm này đặc biệt có giá trị vì Nga bị phương Tây cô lập triệt để kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra. Thổ Nhĩ Kỳ là một điểm đến của đầu tư và khí đốt Nga. Về phần mình, Nga cũng hưởng lợi nhờ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cho phép nhập khẩu hàng hóa - vốn đã trở nên phức tạp với các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Hơn 15 quốc gia gửi điện chúc mừng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tái đắc cử. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đã gửi điện mừng vào ngày 29-5.
Phương Tây “ngán” ông Erdogan
Hầu hết lãnh đạo các nước phương Tây cũng nhanh chóng chúc mừng và kỳ vọng hợp tác suôn sẻ với ông Erdogan trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo giới quan sát, có thể nhìn thấy sự thận trọng của các lãnh đạo phương Tây với chiến thắng của ông Erdogan.
Theo tờ The New York Times, trong suốt thời gian bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra, hầu hết chính quyền phương Tây giữ im lặng với mong muốn kín đáo rằng 20 năm lãnh đạo của ông Erdogan sẽ khép lại. Về chính thức, phương Tây không thể hiện mình ủng hộ ai, tránh bị cáo buộc can thiệp vào chính trị nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ. Song một thực tế không nói ra nhưng ai cũng biết là các lãnh đạo châu Âu, chưa tính chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã quá ngán ngẩm ông Erdogan đối đầu với phương Tây trên nhiều vấn đề.
Trong gần 20 năm lãnh đạo, ông Erdogan thực hiện chính sách trung lập, vì vậy thường xuyên làm phật lòng các đồng minh phương Tây và tạo cơ hội cho Nga, nhất là trong vấn đề xung đột Nga - Ukraine gần đây. Nói rộng hơn, nhiều lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời ông Erdogan đang rời xa các giá trị và chuẩn mực của phương Tây.
Theo giới quan sát phương Tây, ông Erdogan đã nhiều lần có động thái giúp bảo vệ lợi ích của Nga trong khi làm suy yếu sự đoàn kết của NATO. Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua từ chối áp dụng hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga.
Với kết quả ông Erdogan tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, phương Tây phải tính toán lại các chính sách mới liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ. Trước mắt phương Tây phải làm sao ngăn được ông Erdogan xích lại gần Nga hơn nữa, tuy nhiên hiện rất ít quan chức phương Tây lạc quan có thể làm được điều này.
Phép thử đầu tiên đối với phương Tây và ông Erdogan sẽ là hội nghị thượng đỉnh khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại thủ đô Vilnius (Lithuania) sắp tới. Ông Erdogan sẽ phải trả lời câu hỏi rằng liệu Thổ Nhĩ Kỳ có tiếp tục phản đối Thụy Điển gia nhập NATO hay không? Ông Erdogan gần đây đã ngưng ngăn cản Phần Lan gia nhập nhưng vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng về đề nghị gia nhập của Thụy Điển.•
Ông Erdogan nói gì sau chiến thắng?
Trong bài phát biểu mừng chiến thắng ngày 28-5, ông Erdogan kêu gọi “đoàn kết và đoàn kết”, cam kết bỏ lại mọi tranh chấp phía sau và hàn gắn đất nước với “các giá trị và ước mơ quốc gia”. Ông Erdogan cho biết chiến thắng sít sao của ông trong cuộc đua là chiến thắng dành cho “nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ” và tất cả 85 triệu công dân nước này, theo hãng tin AFP.
Ông thừa nhận rằng lạm phát cao nghiêm trọng của đất nước là vấn đề cấp bách nhất hiện nay, hứa hẹn sẽ giảm lạm phát, cam kết xây dựng một nền kinh tế vững mạnh dựa trên sự ổn định và tin tưởng.
Ông Erdogan cũng cho biết việc xây dựng lại các TP bị thảm họa động đất tàn phá hồi tháng 2 sẽ là ưu tiên hàng đầu, cũng như cam kết giúp hồi hương cho thêm 1 triệu người dân Syria đang tị nạn nhân đạo ở Thổ Nhĩ Kỳ.