Phương Tây ‘vừa mừng vừa lo’ khi ông Erdogan tái đắc cử

(PLO)-  Việc ông Recep Tayyip Erdogan tái đắc cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khiến phương Tây lo nước này sẽ xích lại gần Nga nhưng cũng hy vọng Ankara mở ra triển vọng hòa đàm Nga - Ukraine. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 29-5, ông Recep Tayyip Erdogan đã tái đắc cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi giành được 52,1% phiếu trong bầu cử vòng hai trước đối thủ Kemal Kilicdaroglu. Như vậy, ông sẽ giữ cương vị này thêm 5 năm nữa và đây là nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của ông, bắt đầu từ năm 2014.

Lo Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga

Dưới thời ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường sức mạnh quân sự ở Trung Đông và củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga. Trong khi đó, quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ ngày càng trở nên không mấy suôn sẻ, theo trang Euronews.

Theo tờ The Guardian, trong chiến dịch tranh cử, ông Erdogan nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có mối quan hệ đặc biệt và gọi ông Tổng thống Nga Vladimir Putin là “bạn của tôi”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdoğan (trái) gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin hồi tháng 11 tại Kazakhstan. Ảnh: SPUTNIK/AFP

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdoğan (trái) gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin hồi tháng 11 tại Kazakhstan. Ảnh: SPUTNIK/AFP

Vào tháng 4, ông Erdogan đã dự lễ khai trương nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ được xây dựng với sự hỗ trợ tài chính và công nghệ của Nga. Còn ông Putin đã có lần nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một trung tâm châu Âu về khí đốt của Nga.

Các quan chức Mỹ đã từng đến Ankara thúc giục ông Erdogan chỉ đạo các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ không hoạt động như một cầu nối để Nga vượt qua các lệnh trừng phạt phương Tây.

Dù Mỹ đã trừng phạt một số cá nhân, công ty có trụ sở ở Thổ Nhĩ Kỳ mà Washington cho là đã vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và giúp đỡ nỗ lực chiến tranh của Nga nhưng có rất ít tác dụng, theo tờ The Guardian.

Thổ Nhĩ Kỳ không sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và Mỹ cũng không muốn áp lệnh trừng phạt thứ cấp đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì sợ rằng điều đó sẽ càng kiến Ankara và Moscow xích lại gần nhau hơn.

Độc lập với liên minh

Ông Erdogan đã cố gắng phát huy sức mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực và hơn thế nữa, theo đuổi chính sách đối ngoại không liên kết và quyết đoán, theo Vox.

Ông tin vào một thế giới đa cực, với Thổ Nhĩ Kỳ là một cường quốc trong số các cường quốc khác. Vì thế nên ông không hoàn toàn ủng hộ trật tự đa cực do phương Tây lãnh đạo.

Dù là thành viên lâu đời của NATO, nhưng ông Erdogan đã cố gắng xây dựng một chính sách đối ngoại độc lập hơn, một chính sách khiến Ankara không còn phụ thuộc vào Washington.

Người ủng hộ ông Erdoğan thắng cử vào ngày 28-5 tại TP Istanbul. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Người ủng hộ ông Erdoğan thắng cử vào ngày 28-5 tại TP Istanbul. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Theo tờ The New York Times, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ Galip Dalay tại Chatham House (có trụ sở tại Anh) cho biết: “Ông Erdogan hành động dựa trên sự nhận thức rằng ‘thế giới đã bước vào giai đoạn mà sự thống trị của phương Tây không còn là điều hiển nhiên nữa’”.

Quan điểm đó đã khiến các cường quốc khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ vừa hưởng lợi từ phương Tây, vừa “chơi” được với các đối thủ của phương Tây như Nga và Trung Quốc.

“Ý tưởng là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được lợi hơn bằng cách tham gia vào sự cân bằng địa chính trị giữa các bên này” - ông Dalay nói.

Hy vọng đặt ở Thổ Nhĩ Kỳ

Về cuộc chiến Ukraine, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã có hành động cân bằng ngoại giao.

Ông lên án việc Nga mở chiến dịch quân sự và gửi máy bay không người lái (UAV) cho Ukraine nhưng từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống Nga. Thổ Nhĩ Kỳ còn tăng cường thương mại với Nga và cản trở nỗ lực mở rộng của NATO bằng cách trì hoãn việc kết nạp Phần Lan và vẫn từ chối kết nạp Thụy Điển, theo The New York Times.

Dù phương Tây băn khoăn về lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến nhưng vẫn cho rằng mối quan hệ của ông Erdogan với cả Nga và Ukraine cho phép ông thương thảo được với hai bên, tạo ra những tiến triển trong cuộc chiến.

Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian cho một thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen cũng như trao đổi tù nhân giữa các bên tham chiến. Con đường hòa bình cho Nga - Ukraine dù còn xa nhưng vẫn có hy vọng hòa giải nhờ vào ông Erdogan.

Gần đây, ông Erdogan cũng đã nỗ lực hàn gắn quan hệ với các cựu thù trong khu vực, bao gồm Israel, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nhằm hạ nhiệt căng thẳng và khuyến khích thương mại. Đây là những động thái mà phương Tây rất hoan nghênh.

Sau các động thái hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia đã gửi 5 tỉ USD vào ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 3, giúp củng cố dự trữ ngoại tệ đang bị sụt giảm của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Erdogan cũng cho biết ông có thể gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad sau nhiều năm ủng hộ quân nổi dậy chống ông al-Assad.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm