Ông Hai trong lòng người ở lại

“Mình ở dân thương thì họ che chở thôi”

Từ năm 1982 đến năm 1997, tôi được cử làm thư ký riêng cho ông Võ Trần Chí (Hai Chí). Đây là công việc hoàn toàn mới với tôi. Tôi nói với ông rằng tôi không biết làm thư ký. Ông bảo: “Mày có biết câu thành ngữ Mực dạy thầy, cây dạy thợ không. Công việc gì cũng phải học từ từ mới biết được” (cái cách xưng mày-tao của ông nghe bình dân, thiệt lòng lắm). Nghe vậy nên tôi yên tâm làm.

Năm 1984, ông Hai qua làm thường trực thành ủy, làm trưởng phân ban nông thôn, trưởng ban nông nghiệp thành ủy. Đi nhiều, nghe người dân nói nhiều, ông trăn trở: “Bà con nông dân mình nghèo, lại không có vốn lận lưng để yên tâm làm ăn, phải vay nóng thì khó mà thoát nghèo được”. Sau đó, ông chỉ đạo thành ủy làm chương trình xóa đói giảm nghèo bằng cách huy động sự đóng góp của toàn xã hội. Ban đầu chương trình này tập trung lo cho người dân nông thôn ở ngoại thành, sau đó chương trình thành công nên lan rộng ra toàn TP, rồi ra nhiều tỉnh, thành khác.

Ông Hai trong lòng người ở lại ảnh 1

Nhà thơ Hoài Vũ ghi sổ tang. Ảnh: TM

Ông Hai luôn sống trung thực với bản thân, không vụ lợi gì cho cá nhân. Thời ông làm bí thư, có những năm tết đến là tôi cực với ông luôn. Cứ tết đến là nơi này nơi kia đến chúc tết và gửi tiền lì xì. Từ chối tiền lì xì ngay trong ngày tết thì khó coi, ông kêu tôi ghi hết lại tên, địa chỉ của từng người rồi sau tết đến từng nơi gửi lại cho người ta. Ông làm như vậy vài năm, người này truyền tai người kia biết ông vậy nên không ai dám đưa tiền lì xì nữa.

Trong đời thường, ông giản dị vô cùng. Nhà ông nằm cuối hẻm trên đường An Dương Vương, hai bên hẻm bà con trổ cửa ra bán buôn đủ loại. Hồi trước, biết ông định mua nhà ở đây, nhiều người cản, nói nhà ở cuối hẻm, địa bàn phức tạp vậy có bề gì thì khó xoay xở. Ông Hai cười: “Mình ở dân thương thì họ che chở thôi”. Tôi nghĩ ông Hai sống và làm việc như thế nào người dân họ đều cảm nhận được hết.

Ông TRẦN MẠNH CHÂU, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO).

Trong lòng ông lúc nào cũng có một chữ dân

Tôi biết ông Hai Chí từ năm 1964. Ấn tượng đầu tiên của tôi về ông là sao một bí thư tỉnh ủy (hồi ấy ông làm bí thư tỉnh ủy Long An) mà lại giản dị, bình dân quá. Ông ăn chung, ngủ chung chòi lăn lóc với anh em tụi tôi. Mọi trận đánh then chốt ở Long An ông đều đi tận mục tiêu, đi trước chỉ đạo chứ không bao giờ chịu đi sau lưng ai cả. Trong suốt thời gian chúng tôi công tác ở Long An đã được ông giúp đỡ rất nhiều theo kiểu như vậy. Những bài thơ hay của chúng tôi đã ra đời trong thời gian đó (nhưVàm Cỏ Đông…).

Sau giải phóng, tôi đang công tác tại báo Văn Nghệthì ông tìm gặp tôi kêu về làm trợ lý (lúc này ông làm bí thư thành ủy TP.HCM). Trong lòng ông lúc nào cũng chỉ có một chữ dân, phải làm sao cho yên lòng dân, làm cho dân tin. Tôi nhớ một lần, nghe có chuyện xảy ra mâu thuẫn giữa nhiều người dân với các lực lượng khác ở quận Gò Vấp, ông yêu cầu tôi đi thực tế nắm tình hình ngay. Tôi báo cáo với ông tình hình căng, người dân có thể đã bị oan. Nghe vậy, ông bỏ cuộc họp giữa chừng ở thành ủy để đến hiện trường. Người dân đang bức xúc nhưng thấy ông xuống họ đã đến nắm tay, ôn tồn trình bày và được tháo gỡ…

Nhà thơ HOÀI VŨ, Trợ lý của nguyên Bí thư thành ủy Võ Trần Chí

THANH MẬN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm