Cuộc đàm phán diễn ra ngày 9-1 được đánh giá là một bước đột phá ngoại giao trong mối quan hệ giữa hai nước, đồng thời mở ra một cơ hội mới cho các cuộc đàm phán tiếp theo liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ưu tiên thế vận hội
Hãng tin CNN cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã lắng nghe cuộc đàm phán này thông qua micro được lắp tại Nhà Hòa bình. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, ông Kim không đưa ra bất kỳ thông điệp đặc biệt nào suốt quá trình diễn ra cuộc gặp.
Phát biểu bên ngoài cuộc hội đàm diễn ra tại Nhà Hòa bình trong làng đình chiến Bàn Môn Điếm, thuộc khu vực phi quân sự giữa hai nước, Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Chung Hae-sung cho biết Triều Tiên đã đồng ý gửi một phái đoàn quan chức cấp cao, vận động viên, cổ động viên và nhà báo đến tham dự Thế vận hội Pyeongchang vào tháng tới. Hàn Quốc đã đề xuất các vận động viên của hai nước sẽ cùng nhau xuất hiện trong lễ khai mạc, cũng như các hoạt động khác của sự kiện thể thao này. “Triều Tiên nói rằng họ quyết tâm giúp cuộc đàm phán đạt được hiệu quả, trở thành một cơ hội đột phá” - ông Chung nói.
Bên lề cuộc hội đàm, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng tuyên bố sẽ cân nhắc tạm hoãn các lệnh trừng phạt chống lại Triều Tiên nếu cần thiết để tạo điều kiện cho quan chức của nước này đến Hàn Quốc tham gia thế vận hội. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kyu-duk khẳng định Seoul sẽ thảo luận cùng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và các nước có liên quan về vấn đề này.
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon (trái) bắt tay với người đồng cấp Triều Tiên Ri Son-gwon trước khi bắt đầu cuộc đàm phán chính thức giữa hai nước sáng 9-1. Ảnh: AP
Vẫn im lặng về hạt nhân
Thứ trưởng Chung Hae-sung cho biết phái đoàn Hàn Quốc cũng đã đề nghị nối lại các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, cũng như tổ chức các cuộc đàm phán quân sự để ngăn ngừa xung đột xảy ra ở khu vực biên giới. Theo ông Chung, Bình Nhưỡng đã lắng nghe lời kêu gọi của Seoul, tuy nhiên không có thảo luận hay phản ứng đặc biệt nào về vấn đề này. Phái đoàn Bình Nhưỡng khẳng định hy vọng “giải quyết tất cả vấn đề liên Triều thông qua đối thoại”.
Hàn Quốc cũng đề xuất tổ chức một cuộc đoàn tụ vào dịp Tết Nguyên đán 2018 cho các gia đình bị ly tán sau chiến tranh Triều Tiên. Đường dây nóng quân sự hai nước cũng sẽ được nối lại sau gần hai năm Triều Tiên tuyên bố cắt đứt.
Ông Kim Yong-hyun, giáo sư ĐH Dongguk của Hàn Quốc, nhận định cuộc đàm phán này vốn dĩ không thể giúp hai nước giải quyết những vấn đề căng thẳng suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, sự kiện có thể mở đường cho một cuộc hội đàm chính thức trong tương lai và có thể rộng hơn là cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên.
Mỹ chưa vội hành động Trước cuộc đàm phán liên Triều, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định chiến dịch gây áp lực của Washington với Bình Nhưỡng vẫn sẽ được tiếp tục cho đến khi lãnh đạo Kim Jong-un chịu quay lại bàn đàm phán. “Tổng thống Donald Trump hy vọng sẽ có kết quả tích cực từ cuộc đàm phán. Đó là sự khởi đầu. Chúng tôi tin rằng nếu có điều gì được thỏa thuận sau cuộc đàm phán này, đó sẽ là một điều tích cực” - ông Brian Hook, cố vấn chính sách cao cấp của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, cho biết. Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh còn quá sớm để đánh giá cuộc đàm phán khiến Mỹ thay đổi chính sách với Triều Tiên, bởi vì “đây có thể chỉ là một cuộc họp bàn về thế vận hội” - ông Brian Hook cho biết. “Kết quả cuối cùng vẫn là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể giám sát và không thể đảo ngược (việc phi hạt nhân hóa) trên bán đảo Triều Tiên” - ông Hook khẳng định. ____________________________ Chúng tôi sẽ nỗ lực để biến Thế vận hội Pyeongchang trở thành “Thế vận hội của hòa bình”, xem đây là bước đầu tiên để cải thiện mối quan hệ liên Triều. Chúng tôi sẽ không vội vàng và sẽ tổ chức các cuộc đàm phán một cách bình tĩnh. ÔngCHO MYOUNG-GYON, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc |