Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol đã đến New York ngày 30-5 (giờ Mỹ). Máy bay chở ông Kim Yong-chol và phái đoàn Triều Tiên từ Bắc Kinh (Trung Quốc) hạ cánh xuống sân bay quốc tế John F. Kennedy ở New York.
Đón ông Kim Yong-chol và phái đoàn Triều Tiên tại sân bay là các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ. Đoàn xe ra khỏi sân bay và sau đó dừng lại trước khách sạn Millennium Hilton ở Manhattan. Ông Kim Yong-chol xuất hiện nhưng không trả lời truyền thông mà vào thẳng khách sạn. Theo Yonhap, là cánh tay phải của lãnh đạo Kim Jong-un, khả năng lớn ông Kim Yong-chol có mang theo một lá thư riêng của lãnh đạo Kim chuyển đến ông Trump.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol (trái) đến khách sạn Millennium Hilton ở New York ngày 30-5. Ảnh: REUTERS
Từ thủ đô Washington, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sander cho biết cuộc gặp giữa ông Kim Yong-chol và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo diễn ra vào lúc 7 giờ tối 30-5 (giờ Mỹ, tức 6 giờ sáng 31-5 theo giờ Việt Nam) và nguyên ngày 31-5 (giờ Mỹ). Nội dung bàn về khả năng tiếp tục sắp xếp cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thượng đỉnh Mỹ-Triều ban đầu dự kiến diễn ra tại Singapore vào ngày 12-6 tới, tuy nhiên số phận cuộc gặp tới giờ này vẫn chưa có quyết định sau cùng khi cả hai nước vài ngày nay liên tục có các bước đi thăm dò nhiệt tình ngoại giao lẫn nhau.
Và nếu có diễn ra, không ai có thể nói chắc hai bên có thể thống nhất được phương án giải trừ hạt nhân Triều Tiên, khi hai bên có nhiều khác biệt. Mỹ muốn Triều Tiên giải trừ nhanh chóng, một lần, tránh khả năng Triều Tiên từ bỏ cam kết nửa chừng. Trong khi đó Triều Tiên lại muốn giải trừ từng giai đoạn và muốn Mỹ đảm bảo an ninh cho mình.
Nhân viên an ninh hộ tống Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol đến địa điểm gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở New York ngày 30-5. Ảnh: REUTERS
Cả hai ông Kim Yong-chol và Mike Pompeo đều mong muốn có một thỏa thuận có thể vừa thỏa mãn được yêu cầu CVID của Mỹ - giải trừ hạt nhân toàn diện, có thể thẩm tra và không thể đảo ngược, vừa thỏa mãn yêu cầu CVIG của Triều Tiên - đảm bảo an ninh toàn diện, có thể thẩm tra và không thể đảo ngược.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol đến địa điểm gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở New York ngày 30-5. Ảnh: REUTERS
Trước giờ gặp ông Kim Yong-chol và phái đoàn Triều Tiên, ông Pompeo vẫn nhắc lại các yêu cầu của chính phủ Trump với Triều Tiên.
“Mong chờ đến cuộc gặp với ông Kim Yong-chol ở New York để bàn về khả năng gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Kim. Chúng tôi gắn kết với quan điểm giải trừ hạt nhân toàn diện, có thể thẩm tra được và không thể đảo ngược ở bán đảo Triều Tiên” - ông Pompeo viết trên Twitter.
Những gì hai ông Kim Yong-chol và Mike Pompeo nói trong cuộc gặp sẽ tùy thuộc vào kết quả cuộc gặp của các phái đoàn hai bên tại làng Bàn Môn Điếm trong khu phi quân sự liên Triều - bàn phương án giải trừ hạt nhân và tại Singapore - bàn các vấn đề hậu cần cho thượng đỉnh. Nhà Trắng ngày 30-5 nói cuộc gặp ở Bàn Môn Điếm diễn ra tốt đẹp và rất hy vọng vào cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử ngày 12-6 tới.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến địa điểm gặp Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol ở New York ngày 30-5. Ảnh: REUTERS
Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ không nêu tên thân cận với các cuộc đàm phán về vấn đề này cho biết quan điểm của Mỹ vẫn là Triều Tiên phải đồng ý giải trừ hạt nhân hoàn toàn trước khi nhận được bất kỳ hỗ trợ tài chính nào từ phía Mỹ. Có thể đó là dỡ bỏ trừng phạt kinh tế, viện trợ thực phẩm hay các hình thức khác, hay đầu tư mới. Nói chung mức độ hỗ trợ sẽ tùy thuộc vào tiến trình và độ quyết liệt trong hành động giải trừ của Triều Tiên.
Trong khi đó theo quan chức này, quan điểm của Triều Tiên khi đến đối thoại với ông Mike Pompeo ở New York là chỉ cần nước này cam kết giải trừ hạt nhân thì Mỹ phải dỡ bỏ bớt áp lực kinh tế cho mình.
Nhân viên an ninh Mỹ bên ngoài địa điểm diễn ra cuộc gặp giữa Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở New York (Mỹ) ngày 30-5. Ảnh: REUTERS
Từ Trân Châu cảng ở Hawaii ngày 30-5, Đô đốc Harry Harris, người sắp mãn nhiệm vị trí tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ và được ông Trump đề cử làm đại sứ tại Hàn Quốc, cho rằng Triều Tiên vẫn là đe dọa nổi bật nhất của Mỹ.
“Và chuyện một Triều Tiên có khả năng hạt nhân, có tên lửa bắn được tới Mỹ là chuyện không thể chấp nhận” - Reuters dẫn lời ông Harris.
Yonhap dẫn lời Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon ngày 30-5 lo lắng rằng các khác biệt giữa Mỹ và Triều Tiên về vấn đề giải trừ hạt nhân vẫn “quá lớn” và sẽ không dễ thỏa hiệp. Tuy nhiên, cũng theo ông Cho Myuong-gyon, hy vọng cũng không nhỏ khi cả hai lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đều rất mong muốn mục tiêu này.