Ông Lê Thanh Thản đề nghị gì với khách hàng CT6C Kiến Hưng?

(PLO)- Trong quá trình điều tra, Lê Thanh Thản, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Bemes, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, đã đề nghị ba phương án khắc phục hậu quả của vụ án.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như PLO đã đưa tin, Viện KSND TP Hà Nội vừa có thông báo truy tố bị can Lê Thanh Thản về tội lừa dối khách hàng.

Ông Thản đã có hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng sai phạm nghiêm trọng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại dự án CT6 Kiến Hưng.

Sau đó, bị can này quảng cáo gian dối về tính pháp lý, đưa ra thông tin ''Dự án đã được phê duyệt, thiết kế căn hộ và thiết kế công trình tuân thủ các quy định về xây dựng, giá bán căn hộ đã bao gồm giá trị quyền sử dụng đất...” để bán các căn hộ tại dự án CT6 Kiến Hưng.

Hậu quả là 488 khách hàng mua căn hộ không được cấp sổ đỏ và chịu thiệt hại 481 tỉ đồng.

Tại cơ quan điều tra, bị can Lê Thanh Thản khai nhận hành vi phạm tội và nêu lý do ''nóng vội trong việc nắm bắt cơ hội kinh doanh nên chưa kịp hoàn thiện các thủ tục''.

Ngày 31-7-2019, ông Thản có đơn đề nghị được khắc phục hậu quả của vụ án theo ba phương án.

Thứ nhất, ông Thản đề nghị xem xét xử lý theo Điều 79 Nghị định 139/2017/NĐ-CP và Khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở…

Thứ hai, bị can sẽ tự thỏa thuận với người mua nhà tại tòa CT6C để di dời sang dự án khu đô thị Thanh Hà Cienco5.

Thứ ba, bị can tự thỏa thuận với người mua nhà tại tòa CT6C Kiến Hưng để mua lại nhà hoặc trả lại tiền mua nhà, sau đó sẽ tự phá dỡ nhà CT6C Kiến Hưng.

Quá trình điều tra, ông Thản lựa chọn phương án tự thỏa thuận với người mua nhà tại tòa CT6C Kiến Hưng để mua lại nhà hoặc trả lại tiền mua nhà, sau đó sẽ tự phá dỡ nhà CT6C Kiến Hưng.

Tuy nhiên, đến nay Công ty Bemes không thỏa thuận được với khách hàng.

Sau khi không thỏa thuận được với các khách hàng, bị can Lê Thanh Thản đề nghị Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Hà Nội bảo lãnh số tiền bị can phải trả lại cho khách hàng theo quy định của pháp luật.

Ngày 27-11-2019, Ngân hàng BIDV Chi nhánh Nam Hà Nội đã phát hành Công văn số 637/CVBIDV.NHN xác nhận bảo lãnh số tiền 530 tỉ đồng để khắc phục hậu quả cho bị can Lê Thanh Thản tại dự án CT6 Kiến Hưng.

Đây là các sổ tiết kiệm trị giá 530 tỉ đồng thuộc sở hữu của bà H, vợ của bị can Lê Thanh Thản.

Trong vụ án này, các cán bộ của UBND phường Kiến Hưng là Đỗ Văn Hưng (nguyên Chủ tịch) Nguyễn Duy Uyển (nguyên Phó chủ tịch) và Bùi Văn Bằng (nguyên Phó chủ tịch) và cán bộ Thanh tra xây dựng quận Hà Đông gồm Nguyễn Văn Năm (nguyên Chánh Thanh tra), Vương Đăng Quân (nguyên Phó Chánh Thanh tra); Mai Quang Bài (nguyên cán bộ Thanh tra xây dựng) đã không thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm.

Điều này dẫn đến không kịp thời ngăn chặn, xử lý đối với các sai phạm tại công trình xây dựng dự án CT6 Kiến Hưng theo quy định của pháp luật. Do đó, các bị can này bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Khoản 9 Điều 13 Nghị định 121 quy định hành vi vi phạm trong xây dựng mà không vi phạm chỉ giới, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.

Theo đó, phần nộp lại bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ… và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế, sai quy hoạch…

Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm