Ông Lukashenko tích cực mở rộng mạng lưới bạn bè Belarus

(PLO)- Với hàng loạt chuyến công du nước ngoài liên tục gần đây, ông Lukashenko được cho là đang cố gắng mở rộng tầm nhìn ngoại giao, mở rộng thêm mạng lưới quan hệ ra nhiều nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vài tuần qua Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko liên tục công du nước ngoài với hàng loạt điểm đến quan trọng: Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE, ngày 25-1), Zimbabwe (ngày 31-1), Nga (ngày 17-2), Trung Quốc (ngày 28-2), Iran (ngày 13-3) và dự kiến sắp tới là Ấn Độ… Diễn biến này thu hút sự chú ý khi việc công du nước ngoài đặc biệt liên tục trong thời gian ngắn trước nay không phải là thói quen của ông Lukashenko.

Gần đây Minsk cũng tiếp Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjártó - ngoại trưởng châu Âu đầu tiên đến Belarus từ sau làn sóng biểu tình phản đối kết quả bầu cử tổng thống năm 2020. Giới quan sát nhận định ông Lukashenko rõ ràng đang cố gắng mở rộng tầm nhìn ngoại giao.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (trái) trong cuộc gặp với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ở Tehran (Iran) ngày 13-3. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (trái) trong cuộc gặp với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ở Tehran (Iran) ngày 13-3. Ảnh: REUTERS

Tích cực mở rộng mạng lưới bạn bè

Theo hãng thông tấn quốc gia Belarus BelTA, ngày 16-2, một ngày trước chuyến thăm Nga, ông Lukashenko có cuộc trao đổi với các nhà báo trong và ngoài nước.

Ông Lukashenko nêu quan điểm rằng Belarus cần từng bước đi con đường của mình, duy trì và củng cố vị thế trong bối cảnh các cường quốc đang vẽ lại trật tự thế giới. Vì mục tiêu này, Belarus luôn giữ chủ trương phát triển quan hệ với nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm Nga, Trung Quốc, Iran, Ấn Độ, cũng như nhiều nước khác xa hơn.

“Belarus giống như Áo và các quốc gia khác, cần cẩn thận vượt qua con đường này. Thế giới sẽ khác. Nó sẽ được vẽ lại, định dạng lại. Tôi thậm chí không biết EU sẽ ra sao. Tôi nghĩ rằng châu Âu sẽ suy nghĩ lại và đi đến một thỏa thuận với Nga. Đây sẽ là một giải pháp cho cả nước Đức khổng lồ và cho cả Áo - một quốc gia tương đối nhỏ như chúng ta nhưng là một quốc gia công nghệ cao, rất quan trọng. Chúng ta sẽ có thể đạt được thỏa thuận” - ông Lukashenko nhận định tình hình.

“Nhưng sự cân bằng sẽ như thế nào trong tương lai vẫn chưa rõ ràng… Có rất nhiều dòng hải lưu dưới nước… Chúng tôi chưa biết xung đột tiếp theo có thể nổ ra ở đâu” - ông Lukashenko nói thêm.

Tại cuộc trao đổi này, ông Lukashenko nhấn mạnh rằng việc đa dạng hóa quan hệ vô cùng quan trọng để Belarus duy trì nền độc lập.

“Cơn sốt ngoại giao” của ông Lukashenko có thể mang lại gì?

Trong bài viết trên trang web carnegieendowment.org của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, nhà phân tích chính trị Artyom Shraibman (Belarus) cho rằng các chuyến đi con thoi của ông Lukashenko tới các nước là một nỗ lực khởi động lại chính sách đối ngoại đa phương của Belarus bằng cách tìm kiếm những người bạn mới.

Ngày 28-3, Bộ Ngoại giao Belarus xác nhận nước này sẽ tiếp nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga. Quyết định này là một phản ứng với nhiều năm chịu áp lực từ phương Tây, trong đó có việc các thành viên NATO trừng phạt và nỗ lực tăng cường quân sự gần biên giới Belarus. Vũ khí hạt nhân của Nga cung cấp cho Minsk sự bảo vệ trước cái mà nước này gọi là áp lực từ Mỹ và các đồng minh nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Lukashenko.

Ông Shraibman chuyên đề cập các diễn biến liên quan đến Belarus, gồm chính trị trong nước và chính sách đối ngoại, là nhà sáng lập công ty tư vấn chính trị Sense Analytics. Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế là một viện nghiên cứu chính sách đối ngoại, có các văn phòng ở Washington D.C. (Mỹ), Moscow (Nga), Beirut (Lebanon), Bắc Kinh (Trung Quốc), Brussels (Bỉ) và New Delhi (Ấn Độ), hoạt động thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia.

Theo BelTA, trung bình Belarus phải xuất khẩu một nửa sản lượng hàng hóa mà nước này sản xuất và kiếm ngoại tệ từ đó. Các chuyến thăm ở cấp cao nhất giúp mở ra thị trường mới cho hàng xuất khẩu của Belarus. Chẳng hạn chuyến thăm gần đây của ông Lukashenko tới Zimbabwe đã giúp mang lại hợp đồng trị giá 200 triệu USD cho Belarus.

Các chuyến đi của ông Lukashenko tới Trung Quốc và Iran được coi là một phần của quá trình tìm kiếm thay thế các thị trường truyền thống của Belarus. Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng với Belarus. Trung Quốc đã bán lượng hàng hóa trị giá 1,8 tỉ USD sang Belarus vào năm ngoái. Tại Iran, ông Lukashenko đã ký kết tám hiệp định về thương mại, khai khoáng và vận tải. Hai bên nhất trí đặt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 triệu USD trong năm nay.

Tuy nhiên, nhà phân tích Shraibman có phần hoài nghi về kết quả mà “cơn sốt ngoại giao” của ông Lukashenko có thể mang lại. Dù nhấn mạnh rằng Belarus từ lâu đã nỗ lực đa dạng hóa quan hệ và kiên định theo đuổi chính sách này nhưng đồng thời ông Lukashenko cũng khẳng định rằng Nga vẫn là thị trường chính của Belarus, theo BelTA.

Dù ông Lukashenko đã thực hiện bao nhiêu chuyến công du nước ngoài cũng không thay đổi thực tế điểm đến của gần 70% hàng xuất khẩu của Belarus hồi năm ngoái là Nga. Chưa hết, một tỉ lệ không nhỏ hàng hóa của Belarus được vận chuyển đến các bên mua khác thông qua hệ thống đường sắt và cảng của Nga.

Ngoài ra, châu Âu là những đối tác tự nhiên cho nền kinh tế Belarus mà ông Lukashenko đã dành nhiều thập niên để xây dựng. Ukraine có nhu cầu lớn với các sản phẩm dầu mỏ của Belarus. Ba Lan là thị trường lớn và cửa ngõ trung chuyển hàng Belarus sang Liên minh châu Âu. Lithuania và Latvia là các cảng gần nhất với Belarus. Có thể nói viễn cảnh thay thế những mối quan hệ ở châu Âu hoặc cân bằng sự phụ thuộc vào Nga bằng các chuyến đi tới châu Phi, Trung Đông, hay tới Trung Quốc là không dễ thực hiện được, theo nhà phân tích Shraibman.•

Ông Lukashenko muốn hòa giải với phương Tây?

Theo nhà phân tích Shraibman, một loạt chuyến đi nước ngoài của ông Lukashenko cũng nhằm gửi đi một tín hiệu rõ ràng đến phương Tây về thái độ cởi mở hơn của Belarus.

Trao đổi với các nhà báo ngày 16-2, ông Lukashenko đánh tiếng mời Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Minsk để gặp ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin bàn giải pháp giải quyết xung đột ở Ukraine.

“Nếu ông ấy đồng ý, chúng tôi sẵn sàng đón ông ấy ở Minsk cho một cuộc trò chuyện nghiêm túc vì mục đích kết thúc chiến tranh. Nếu ông ấy muốn kết thúc chiến tranh, Ba Lan gần đây thôi và chúng tôi sẽ đón ông” - BelTA dẫn lời ông Lukashenko khi đó. Tổng thống Biden có chuyến đi đến Ba Lan ngày 21-2.

Ông Lukashenko nói nếu ông Biden nhận lời thì ông sẽ thuyết phục bằng được ông Putin sang Minsk để “ba chúng ta cùng ngồi xuống và giải quyết vấn đề”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm