Sáng 16-6, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức, TP.HCM, tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ X HĐND TP.HCM khoá X (đơn vị số 2 TP Thủ Đức).
Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê; Trưởng ban văn hoá-xã hội, đại biểu HĐND TP.HCM Cao Thanh Bình, đã tham gia buổi tiếp xúc.
|
Hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ X HĐND TP.HCM khoá X tại TP Thủ Đức, sáng 16-6. Ảnh: THANH TUYỀN |
Cử tri mong sớm thực hiện các dự án kéo dài
Cử tri Nguyễn Văn Hoàng, phường Tăng Nhơn Phú B đề đạt với những vấn đề cụ thể mà người dân nêu ra, chính quyền không thể nào cứ nói là do lịch sử để lại, sai phạm nằm trong địa bàn nào thì phải có trách nhiệm xử lý.
“Cần hành động cụ thể để xử lý công việc. Muốn thành phố phát triển thì không thể không nhắc đến những tồn tại cần phải giải quyết”- cử tri Hoàng nói.
Cử tri Hoàng cũng cho hay hiện người dân rất quan tâm về việc hợp nhất các khu phố, bởi việc này ảnh hưởng đến các thông tin trên CCCD; bày tỏ mong muốn các công trình đầu tư công cần được triển khai sớm, đặc biệt như các tuyến đường huyết mạch trên địa bàn TP Thủ Đức như đường Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai, đường vành đai 2.
|
Cử tri nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN |
Cử tri Nguyễn Thị Thuý Diễm, phường Long Phước, kiến nghị các đại biểu quan tâm đến các khu quy hoạch, các dự án kéo dài nhiều năm không thực hiện, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân gồm đồ án 1/2000 khu đại học phường Long Phước, dự án Khu Công nghệ cao.
Cử tri Phan Thị Mai Linh, phường Phước Long B chia sẻ, dự án vành đai trong đã kéo dài quá lâu nhưng chưa có động thái mới khiến người dân bị động, muốn sửa nhà cũng không thể.
“Dự án này có từ lúc con tôi chưa sinh ra. Đến giờ con tôi đã có gia đình nhưng dự án vẫn chưa được thực hiện. Ngày xưa chúng tôi không có tiền thì xây nhà cấp 4 ở tạm, đến giờ xuống cấp không ở được, muốn xin xây dựng cũng khó”- cử tri Linh nói và mong các đại biểu xem xét để giải quyết cho dân.
Còn cử tri Trần Đức Hoà, phường Tăng Nhơn Phú A đề đạt, nếu Quốc hội thông qua dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, HĐND TP.HCM cần xem xét những chính sách ưu đãi cho TP Thủ Đức để TP này sớm đi vào ổn định bộ máy, có những cơ chế phù hợp để phát triển, xứng đáng với mô hình thành phố trong thành phố.
TP Thủ Đức sẽ được phân cấp, phân quyền mạnh hơn
Sau các ý kiến phản ánh của cử tri, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết sẽ tiếp thu và chuyển đến các cơ quan ban ngành chuyên môn.
Ông Khuê cũng đồng tình với cử tri rằng những vấn đề liên quan đến cuộc sống của người dân thì cần có sự tính toán cụ thể, kĩ càng để tránh phiền toái, sự bất lợi cho dân.
"Không chấp nhận việc sở, ngành chuyên môn được giao nhiệm vụ nhưng chậm phản ứng mà phải nhập cuộc nhanh để giải quyết các bức xúc của người dân" - ông nói.
|
Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê tiếp nhận các phản ảnh của cử tri sau buổi tiếp xúc. Ảnh: THANH TUYỀN |
Về tiến độ thực hiện sắp xếp khu phố-ấp, ông Khuê nói cử tri lo ngại càng kéo dài sẽ ảnh hướng đến các giao dịch của người dân là chính đáng.
Ông nêu lại một kinh nghiệm là khi thực hiện chỉnh sửa số nhà đã kéo theo nhiều vấn đề, từ trẻ em làm hồ sơ nhập học cho đến người cao tuổi, hưu trí, chính sách về thực hiện chế độ… Vì vậy, chính quyền TP Thủ Đức có lộ trình thực hiện nhanh, hiệu quả, không ảnh hưởng đến người dân.
Về ý kiến hạ tầng giao thông, các dự án tại TP Thủ Đức chưa thể đáp ứng yêu cầu phát triển, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM cho rằng cấp uỷ, chính quyền địa phương cần mổ xẻ để làm sao tạo sự chuyển biến, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
“Không chỉ là thực phẩm an toàn, thực phẩm tươi mà còn phải để cho người dân sống trong môi trường không nơm nớp lo sợ về các đối tượng manh động, hay ma tuý, tai nạn giao thông”- ông Khuê nói.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM chia sẻ tin vui đến cử tri, sắp tới Quốc hội chính thức thông qua một chiếc áo mới cho TP.HCM, trong đó có TP Thủ Đức.
Theo ông, mô hình thành phố trong thành phố là một hình ảnh sinh động của chính quyền đô thị. Trong đó có sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, không còn tình trạng xin-cho mà TP Thủ Đức hoàn toàn chủ động trong mọi việc như tự quyết định chế định, bộ khung của các cơ quan…
“TP Thủ Đức đã có được một cơ chế mạnh mẽ hơn. Vì vậy sắp tới, trọng trách của HĐND TP Thủ Đức cũng nhiều hơn, cần phải có trách nhiệm nhiều hơn, sâu sát hơn với dân để lắng nghe những bức xúc trong dân. Từ đó, đặt lên bàn nghị sự, góp phần chuyển đổi chất lượng sống, mức sống và hình thái đô thị của TP” - ông Khuê nhấn mạnh.
Ông Khuê chia sẻ thêm, chiếc áo mới đó có đẹp hơn hay không, có gìn giữ và phát huy được giá trị thực sự hay xa rời với tâm lý, điều kiện sống của người dân thì còn tuỳ thuộc vào những người vận hành.
Ông lưu ý, cán bộ cần tránh việc nhận mà không phúc đáp, không trả lời cho người dân. Chính quyền có trách nhiệm phải thụ lý, trả lời cho người dân.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM đề nghị lãnh đạo TP Thủ Đức cần bố trí để tổ đại biểu có thể tiếp xúc cử tri định kì 1 tháng/lần để tiếp nhận thêm thông tin, đối chiếu, kiểm chứng thông tin. Ông Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng, cần có bước thay đổi trong việc tiếp xúc, lắng nghe nhiều hơn, rộng hơn các ý kiến.
“Tránh sự độc thoại trong các sự tiếp xúc, cần đối thoại, giải thích, làm rõ, tương tác giữa vai trò người đại biểu và người cử tri”- ông Khuê nhấn mạnh.