Vòng lẩn quẩn trả đũa ngoại giao Nga-Mỹ ngày 5-9 thêm căng thẳng với sự chính thức ra mặt của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Phát biểu tại một cuộc họp báo tại TP Hạ Môn, Phúc Kiến (Trung Quốc) - nơi ông đang tham dự hội nghị các nền kinh tế mới nổi BRICS 2017, Tổng thống Putin lên án Mỹ đối xử “thô lỗ” với phái đoàn ngoại giao Nga trên đất Mỹ.
“Cắt giảm số cơ sở ngoại giao của chúng tôi trên đất Mỹ là quyền của Mỹ. Vấn đề là điều này được thực hiện theo cách quá thô lỗ, không cho Nga thấy được Mỹ là đối tác của mình. Nhưng chuyện đối thoại với người không phân biệt được Áo (Austria) và Úc (Australia) rất khó. Không thể làm gì về nó. Có thể điều này là một dạng văn hóa chính trị của Mỹ”.
Tổng thống Putin cho biết tới đây sẽ chỉ đạo Bộ Ngoại giao Nga có hành động pháp lý với việc Mỹ vi phạm quyền sở hữu tài sản của Nga.
“Về các tòa nhà và cơ sở ngoại giao của chúng tôi, đây là điều chưa có tiền lệ, là sự vi phạm rõ ràng quyền sở hữu tài sản của Nga. Vì thế tôi sẽ chỉ đạo Bộ Ngoại giao đưa vụ việc đến tòa án và để xem bộ máy tư pháp của Mỹ lâu nay vẫn được khen có hiệu quả sẽ làm việc thế nào”.
Tổng thống Nga Putin tham dự Đối thoại Các thị trường mới nổi và Các nước đang phát triển bên lề hội nghị BRICS 2017 ở Hạ Môn, Phúc Kiến (Trung Quốc) ngày 5-9. Ảnh: REUTERS
Reuters dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ không nêu tên nói rằng Mỹ tin tưởng vào tính hợp pháp của việc đóng cửa ba cơ sở ngoại giao của Nga, đồng thời cho biết Mỹ hy vọng sẽ không có thêm hành động trả đũa nào nữa với Nga.
Ngày 2-9, Mỹ chính thức đóng cửa Tổng lãnh sự quán Nga ở San Francisco và hai khu nhà đại diện thương mại của Nga ở Washington và New York, theo thông báo của Bộ Ngoại giao nước này hai ngày trước đó. Mỹ còn khám xét ba cơ sở này và có thông tin còn đề nghị Nga bán lại trụ sở tổng lãnh sự quán. Các nhân viên trong ba cơ sở ngoại giao này không bị trục xuất, được chuyển tới các cơ sở ngoại giao khác của Nga ở Mỹ.
Hành động này nhằm trả đũa việc Nga hồi tháng 7 đã tịch thu hai khu nhà ngoại giao và trục xuất 755 nhân viên ngoại giao của Mỹ tại Nga, tương đương 60%, xuống còn 455 người.
Nga nói việc cắt giảm này nhằm đưa số nhân viên ngoại giao hai nước bằng nhau. Tuy nhiên, theo ông Putin ngày 5-9, có vẻ phép tính đã nhầm vì trong số 455 nhân viên ngoại giao Nga tại Mỹ có đến 155 người làm trong trụ sở LHQ ở New York. Nếu trừ số này ra thì số nhân viên ngoại giao Nga còn lại trên đất Mỹ chưa tới 455, ít hơn số nhân viên ngoại giao Mỹ trên đất Nga.
Vì thế, họp báo tại Hạ Môn, ông Putin nói Nga có quyền trục xuất thêm nhân viên ngoại giao Mỹ cho bằng với số nhân viên mình.
“Chúng tôi có quyền quyết định về số lượng nhân viên ngoại giao Mỹ ở Nga. Nhưng chúng tôi sẽ chưa thực hiện lúc này. Chờ xem tình hình diễn biến thế nào đã”.
Tổng lãnh sự quán Nga tại San Francisco, California (Mỹ). Ảnh: REUTERS
Sở dĩ Nga tịch thu khu nhà ngoại giao và trục xuất nhân viên ngoại giao Mỹ cũng là để trả đũa việc chính phủ Mỹ tiền nhiệm cuối tháng 12-2016 đã tịch thu hai khu nhà ngoại giao và trục xuất 35 nhân viên ngoại giao của Nga, vì cáo buộc liên quan đến can thiệp bầu cử tổng thống. Thời điểm đó ông Putin quyết định chưa trả đũa, chờ xem thái độ của tổng thống Mỹ mới là ông Donald Trump thế nào.
Lúc ông Trump mới nhậm chức, hai ông dành khá nhiều lời lẽ thân thiện cho nhau. Tuy nhiên, quan hệ dần xấu đi quanh cáo buộc của tình báo Mỹ rằng Nga can thiệp bầu cử.
Ngày 5-9 tại Hạ Môn, khi được một phóng viên hỏi liệu có thất vọng về ông Trump, ông Putin trả lời hài hước: “Tôi có thất vọng hay không thì câu hỏi của bạn cũng rất ngây thơ. Ông ấy không phải là cô dâu của tôi và tôi cũng không phải là cô dâu hay chú rể của ông ấy”.
“Chúng tôi đều là chính khách. Mỗi nước đều có quyền lợi riêng của mình. Ông ấy hành động theo quyền lợi quốc gia mình và tôi cũng vậy”.
“Tôi rất mong chúng tôi sẽ có thể tìm ra một số thỏa hiệp khi giải quyết các vấn đề song phương và quốc tế - như vị đương kim tổng thống Mỹ đã nói - khi cân nhắc đến trách nhiệm chung về an ninh quốc tế”.