Ông Shinzo Abe - người lèo lái nước Nhật vượt sóng lớn ở Thái Bình Dương

(PLO)- Trong suốt thời gian tại vị, cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe được đánh giá là một trong những nhân vật quan trọng của đất nước, và giúp tái định hình nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong bối cảnh tình hình khu vực dần căng thẳng hơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-7, kênh truyền hình nhà nước NHK đưa tin cựu Thủ tướng Abe Shinzo đã qua đời sau khi bị bắn hai phát đạn vào ngực và cổ trong lúc ông đang vận động tranh cử cho đảng Dân chủ Tự Do (LDP) tại TP Nara (Nhật).

Trong suốt thời gian tại vị, ông được đánh giá là một trong những nhân vật quan trọng của đất nước mặt trời mọc, và giúp tái định hình nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Về ông Abe

Ngày 20-11-2019, ông Abe đã vượt qua ông Katsura Taro và trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật, theo hãng tin Al Jazeera.

Ông đã từng phục vụ một nhiệm kỳ thủ tướng ngắn hạn trong hai năm 2006-2007 trước khi từ chức với lý do sức khỏe kém. Sau đó, ông giành lại chức thủ tướng vào năm 2012.

Cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Ảnh: REUTERS

Cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, vào ngày 28-8-2020, ông Abe tổ chức một cuộc họp báo để tuyên bố từ chức, cũng vì lý do sức khỏe. Tin tức này đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên trong chính trị Nhật và châu Á.

Mặc dù rút lui khi còn một năm nữa mới kết thúc nhiệm kỳ, ông Abe đã để lại các di sản quan trọng cho đất nước mặt trời mọc.

Abenomics - kinh tế

Theo Al Jazeera, tám năm làm thủ tướng của ông Abe gắn liền với nỗ lực hồi sinh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, vào thời điểm mà sức mạnh kinh tế và địa chính trị của nước láng giềng Trung Quốc dần lớn hơn bao giờ hết.

Một trong những chính sách gắn liền với tên tuổi ông Abe là Abenomics - được triển khai sau khi ông trở lại nắm quyền vào cuối năm 2012.

Trong chính sách này, ông Abe đặt ba mục tiêu chính (ba mũi tên): Nới lỏng tiền tệ quy mô lớn, kích thích tài khóa và cải cách cơ cấu kinh tế.

Kế hoạch cải cách nêu trong Abenomics nhằm mục đích tăng năng suất bằng cách cắt giảm thuế doanh nghiệp, cũng như mở rộng lực lượng lao động đang già đi nhanh chóng. Chính sách này được thực hiện chủ yếu bằng cách thúc đẩy phụ nữ, người cao tuổi và người nhập cư tham gia vào sản xuất kinh tế.

Theo Al Jazeera, Abenomics đã đạt được thành công bước đầu khi Ngân hàng Trung ương Nhật kích thích được tâm lý kinh doanh ở người dân, hạ giá đồng yen trên thị trường hối đoái và kích thích xuất khẩu.

Ông Jeffrey Halley - nhà phân tích thị trường cấp cao về châu Á-Thái Bình Dương tại công ty OANDA, cho biết Abenomics đã tạo ra “kết quả hỗn hợp”, theo tờ The Washington Post.

Trong nhiệm kỳ của ông Abe, tăng trưởng kinh tế ở Nhật đã vượt qua giai đoạn ảm đạm của những năm 1990 và 2000, xuất khẩu tăng và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên.

Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2017, Nhật đã ghi nhận tám quý tăng trưởng dương liên tiếp - đây là chuỗi dài nhất trong gần 30 năm.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là ông Abe vẫn chưa thực hiện được mục tiêu đưa GDP danh nghĩa của Nhật tăng lên 600 nghìn tỉ yên vào năm 2020.

Sau khi ông từ chức, Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida đã tách mình khỏi chiến lược Abenomics. Thay vào đó, ông Kishida đưa ra một chính sách mới mà ông cho là "hòa hợp hơn trong khoảng cách giàu-nghèo"

Cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Ảnh: REUTERS

Cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Ảnh: REUTERS

Linh hoạt trong chính sách về Trung Quốc

Di sản quan trọng khác của ông Abe trong thời gian tại vị là nỗ lực phục hồi và hiện đại hóa vị thế địa chính trị của Tokyo. Ông đã thay đổi truyền thống hòa bình thời hậu chiến của Nhật bằng hành động cũng như lời nói, theo tạp chí New Statesman.

Vào năm 2015, ông đã thông qua luật cho phép các lực lượng vũ trang Nhật thực hiện các vai trò chiến đấu ở nước ngoài.

Ông cũng đưa Nhật trở thành trụ cột quan trọng của nhóm Bộ tứ - liên minh không chính thức giữa nước này với ba nước gồm Mỹ, Ấn Độ và Úc.

Ông cũng được đánh giá cao khi vẫn giữ quan hệ với Trung Quốc.

Mặc dù vai trò của nhóm Bộ tứ là đối trọng với Trung Quốc trong khu vực và nó đã nổi lên khi sức mạnh của Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, ông Abe cũng đưa ra cách tiếp cận thận trọng với Bắc Kinh.

Ông đã mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nhật vào tháng 4-2020. Tuy nhiên, chuyến thăm của ông Tập đã bị hoãn vô thời gian trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát và sự hung hăng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở khu vực ngày càng khiến Tokyo trở nên đề phòng hơn.

Theo The Washington Post, ông Abe coi điều khoản cấm xây dựng quân đội được quy định trong Hiến pháp là một trở ngại lớn đối với Nhật. Ông cho rằng điều này đã cản trở Tokyo thực hiện một vai trò phù hợp hơn trong khu vực.

Tuy nhiên, ông Abe đã không tập hợp được đủ sự ủng hộ để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý cần thiết để thay đổi điều khoản này.

Trong những năm sau khi rời nhiệm sở, ông Abe liên tục chỉ trích sự hung hăng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Duy trì quan hệ tốt đẹp với Nga

Theo hãng tin Reuters, ông Shinzo Abe đã duy trì được mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuy nhiên, trong thông báo từ chức năm 2020, ông Abe bày tỏ sự tiếc nuối khi rời ghế thủ tướng mà chưa ký được hiệp ước hòa bình với Nga.

Tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật và Nga tại bốn hòn đảo ở Chishima/Kuril đã làm xấu đi quan hệ Moscow-Tokyo trong nhiều thập niên. Chính căng thẳng này đã ngăn cản hai nước ký một hiệp ước hòa bình chính thức dù Chiến tranh Thế giới thứ II đã kết thúc cách đây 75 năm.

Chuyên gia đánh giá về di sản của ông Abe

Ông Jeffrey J. Hall, một chuyên gia về chính trị Nhật tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kanda, nhận định dù còn nhiều vấn đề tồn đọng trong thời gian nắm quyền, ông Abe là một trong những thủ tướng thành công nhất của Nhật thời hậu chiến.

Tờ Asia Times cũng đánh giá cao các thành tựu của ông Abe và nhận định cách tốt nhất để tôn vinh di sản của ông Abe - và phục vụ 126 triệu người dân Nhật - là đẩy nhanh cải cách kinh tế Tokyo vốn đã đi chậm kể từ năm 2012.

Theo ông Dave Leheny - nhà khoa học chính trị tại ĐH Waseda (Nhật), ông Abe là là nhân vật chính trị nổi bật nhất của Nhật trong vài thập niên qua, trang Devdiscourse đưa tin.

"Ông ấy muốn Nhật được tôn trọng trên trường quốc tế theo cách mà ông ấy cảm thấy xứng đáng. Ông ấy cũng muốn Nhật không phải tiếp tục xin lỗi về những gì đã gây ra trong Thế chiến thứ hai" - theo ông Leheny.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm