Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 21-4 dẫn lời Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga nhấn mạnh rằng tuy Tuyên bố chung Mỹ-Nhật, được đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Suga và Tổng thống Mỹ Joe Biden, có đề cập vấn đề Đài Loan, song các lực lượng Nhật sẽ không tham gia vào bất kỳ tình huống quân sự nào xung quanh hòn đảo này.
Trả lời câu hỏi của một chính trị gia đối lập tại Quốc hội hôm 20-4 về chi tiết cam kết của Nhật đối với Đài Loan, ông Suga tuyên bố "dự kiến sẽ không có sự tham gia của quân đội".
Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: KYODO
Theo SCMP, các nhà phân tích cho rằng hiến pháp của Nhật sẽ không cho phép quân đội tham chiến trong trường hợp Trung Quốc cố gắng chiếm Đài Loan bằng vũ lực, song Tolyo có thể cung cấp hỗ trợ về hậu cần và hậu phương cho Mỹ.
Từ ngữ của tuyên bố - văn bản đầu tiên mà các nhà lãnh đạo Nhật và Mỹ ký kết có đề cập vấn đề Đài Loan kể từ khi Tokyo và Bắc Kinh bình thường hóa quan hệ ngoại giao hồi năm 1972 - đã được xem xét kỹ lưỡng.
Trong tuyên bố, ông Biden và ông Suga đã kêu gọi “hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan”. Đây là lần đầu tiên Mỹ và Nhật đề cập vấn đề Đài Loan trong một tuyên bố chung sau hơn 50 năm.
Hai bên cũng cho biết sẽ chống lại "sự đe dọa" của Trung Quốc ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Trung Quốc đã cáo buộc Nhật và Mỹ gieo rắc sự chia rẽ, đồng thời chỉ trích hai nước này đang kích động "đối đầu tập thể".
Hồi cuối tuần, Chiến khu miền Đông của quân đội Trung Quốc, cơ quan giám sát eo biển Đài Loan, đã triển khai hàng chục máy bay ném bom chiến lược H-6K tham gia một cuộc diễn tập bắn đạn thật kéo dài chín giờ, theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV).
Động thái trên được đưa ra sau tuyên bố chung Mỹ-Nhật kêu gọi “hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan” sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo hai nước hôm 17-4.
Giới chuyên gia nhận định
Các nhà phân tích cho rằng phát ngôn của Suga hôm 20-4 là cách Tokyo vạch ra một ranh giới theo hướng chính phủ có thể sử dụng cách diễn giải khác về hiến pháp nhằm trao cho họ quyền điều động quân đội tự do hơn, SCMP đưa tin.
Theo ông Ben Ascione - giáo sư trợ lý về quan hệ quốc tế tại ĐH Waseda (Tokyo), Thủ tướng Suga đang ở một vị trí khó khăn trước Đài Loan.
“Nếu ông Suga không nói gì cả, điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến liên minh an ninh Nhật - Mỹ, nhưng đồng thời, ông Suga cần nói rõ với người dân trong nước rằng Nhật sẽ không tham gia vào một cuộc chiến tại Đài Loan” - ông Ascione nói.
Máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc. Ảnh: XINHUA/AP
Ông Ascione cho rằng có "nhiều kịch bản khác nhau" có thể xuất hiện xung quanh Đài Loan trong những tháng và năm tới, song mức độ can dự của Nhật trong một cuộc xung đột vũ trang trên hòn đảo này rất có thể chỉ giới hạn ở việc hỗ trợ hậu phương và duy trì hiện trạng dựa trên hiến pháp.
“Tôi nghĩ rằng có rất nhiều dư luận khi đề cập Đài Loan trong tuyên bố chung Mỹ-Nhật và ông Suga thực sự cần giải quyết vấn đề đó” – ông Ascione cho biết, chỉ ra rằng trong khi ông Biden có thể đã kỳ vọng Tokyo sẽ thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ hơn trong cuộc gặp thượng đỉnh, Tokyo đã tập trung vào "ngôn ngữ sẵn có", vốn nhấn mạnh hòa bình và ổn định.
SCMP dẫn lời bà Yuko Ito - giáo sư quan hệ quốc tế tại ĐH Châu Á - đồng ý rằng ông Suga hiện đang bị ràng buộc vì “hiến pháp từ bỏ chiến tranh” của Nhật, vốn chỉ cho phép quân đội được triển khai nhằm bảo vệ đất nước và các đồng minh. Tuy nhiên, bà Ito nói thêm rằng ngày càng có nhiều ý kiến lo ngại rằng Tokyo đã “quá ngây thơ”.
"Tham gia vào các hoạt động quân sự liên quan Đài Loan sẽ không được cho phép theo hiến pháp, nhưng rõ ràng là có những căng thẳng sâu sắc hơn trong khu vực và đã quá muộn nếu chúng ta chỉ bắt đầu thảo luận về việc sửa đổi hiến pháp sau khi Trung Quốc tấn công Đài Loan" – bà Ito nói.
Bà Ito cho biết: “Phần lớn người dân Nhật vẫn phản đối việc sử dụng sức mạnh quân sự của quốc gia, vì vậy cuộc tranh luận về hiến pháp không thể diễn ra. Nhưng họ cũng không nhận ra rằng quân đội Nhật đang thực hiện rất nhiều cuộc tập trận chung với Mỹ ở những khu vực rất gần Đài Loan như một thông điệp gửi tới Trung Quốc".
“Nếu bây giờ chúng ta không có cuộc thảo luận nào về việc thay đổi hoặc diễn giải lại hiến pháp và cuộc tranh luận đó chỉ có thể diễn ra sau một cuộc xung đột, thì đã quá muộn” – bà Ito nói thêm.