Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bắt đầu chuyến công du đến Vương quốc Anh từ ngày 20-10. Đây là lần đầu tiên ông đến châu Âu chỉ thăm một nước duy nhất.
Trung Quốc đã xuất khẩu vốn đầu tư sang châu Âu từ hàng chục năm nay, tuy nhiên hiện tượng này bắt đầu tăng mạnh từ ba, bốn năm nay. Trong 100 tỉ euro vốn đầu tư Trung Quốc ra nước ngoài hằng năm, 1/4 đổ về châu Âu.
Nguồn vốn này bao gồm vốn từ các tập đoàn nhà nước Trung Quốc và vốn của doanh nghiệp tư nhân. Các lĩnh vực được chú trọng gồm công nghiệp, dịch vụ và cơ sở hạ tầng.
Trong bài viết với đầu đề “Vì sao Trung Quốc mua châu Âu?”, đài RFI (Pháp) nhận định điều đầu tiên thu hút đầu tư Trung Quốc vào châu Âu là môi trường an toàn.
Chuyên gia Jean-François Di Meglio, Chủ tịch Viện nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu châu Á ở Paris, nhận định: “Môi trường pháp luật châu Âu ổn định. Ngoài ra, một yếu tố rất quan trọng là đồng tiền chung. Quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc phụ thuộc vào USD. Do đó euro sẽ giúp Trung Quốc đa dạng nguồn ngoại tệ”.
Nữ hoàng Anh tổ chức tiệc chiêu đãi ông Tập tối 20-10 (giờ địa phương). Ảnh: AP
Trong các nước châu Âu thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc thì Anh là nước đứng đầu. Kế đến là Bồ Đào Nha, Đức, Pháp.
Anh nổi tiếng về môi trường tự do và thị trường giao dịch tài chính. Bắc Kinh đang muốn biến nhân dân tệ thành đồng tiền có khả năng chuyển đổi. Vì lẽ đó, London có sức hút hơn Francfurt, Paris hay Wall Street.
Chuyên gia Philippe Le Corre tại Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ), tác giả cuốn “Cuộc tấn công của Trung Quốc ở châu Âu”, nhận xét trong năm năm qua, Anh đã cho phép một số ngân hàng Trung Quốc và các quỹ đầu tư hoạt động.
Các ngân hàng này có quyền giao dịch ngoại tệ và sử dụng Lodon làm bàn đạp tài chính. Từ đó, nhân dân tệ đã được chuyển thành bảng Anh, euro hay USD.
Báo La Tribune nhận định 10 năm qua chưa có chủ tịch Trung Quốc nào đến thăm Anh. Anh và Trung Quốc đã trải qua nhiều năm lạnh nhạt với đỉnh điểm là năm 2012, khi Thủ tướng David Cameron gặp Đạt Lai Lạt Ma.
Bởi thế lần này Thủ tướng David Cameron hết mực tán dương chuyến thăm của ông Tập sẽ khởi đầu cho “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ.
Ông Tập và phu nhân lưu lại cung điện Buckingham với tư cách khách mời của nữ hoàng Elizabeth. Nữ hoàng Anh cũng tổ chức quốc yến chiêu đãi vào tối 20-10 (giờ địa phương).
Nhà phân tích Richard Laudy ở Công ty luật Pinsent Masons nhận định: “Anh thiếu vốn đầu tư công cho cơ sở hạ tầng từ nhiều năm nay”.
Anh đang cần tiền và công nghệ của Trung Quốc về năng lượng hạt nhân, tàu hỏa cao tốc, cảng biển và sân bay. Do đó, báo chí quốc tế đã nhận xét Anh đang chờ đợi “mùa thu hoạch hợp đồng”.
Theo văn phòng thủ tướng Anh, hai bên sẽ ký kết các hợp đồng thương mại và đầu tư trị giá hơn 30 tỉ bảng Anh, từ đó sẽ tạo ra 3.900 việc làm ở Anh.
Dù vậy, các đồng minh của Anh đã tỏ thái độ lo ngại khi Anh tiếp cận quá gần với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tác động đến kinh tế Anh ắt sẽ đặt ra nhiều vấn đề nan giải cho NATO và EU.
Chuyên gia Philippe Le Corre ghi nhận: “Mỹ lo ngại khi nhìn thấy đồng minh chủ chốt của Mỹ là Anh lại bắt tay với Trung Quốc trong khi Mỹ-Anh đã có nhiều thỏa thuận chiến lược”.
Ngày 21-10, lần đầu tiên Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã phát hành trái phiếu hải ngoại bằng nhân dân tệ ở London (Anh). Trái phiếu trị giá 5 tỉ nhân dân tệ có lãi suất 3,1% với kỳ hạn đến năm 2016. Đây là thỏa thuận đạt được tại Đối thoại Kinh tế và Tài chính Trung Quốc-Anh lần thứ bảy hồi tháng 9. _________________________________ Người ta có thể giao dịch bằng nhân dân tệ ở London. Đây là bước đầu tiên để tiến hành quốc tế hóa nhân dân tệ cho dù số lượng giao dịch hiện vẫn còn ít. Chuyên gia PHILIPPE LE CORRE |