Ông thẩm phán với những vụ án nặng lòng

Năm 1995, tôi xử một vụ án cướp tài sản mà ba bị cáo là học sinh lớp 10. Cuối năm học, nhà trường tổ chức đi chơi, không có tiền nên ba em này mang cây kiếm ra đường chặn xe với ý định “xin” tiền đi chơi. Thấy một bác xe ôm chạy xe đến, ba em giơ kiếm lên dọa, người này sợ quá rút chìa khóa xe rồi bỏ chạy. Ba em loay hoay mãi rồi quyết định dắt xe dẫn bộ. Người xe ôm tri hô và báo công an.

Thanh gươm kỷ niệm

Cũng thời gian này, tôi được tập huấn công ước quốc tế về quyền trẻ em. Áp dụng đường lối xử lý đúng đắn với trẻ em vào việc xử án, tôi đã tuyên cho ba học sinh này án treo để tiếp tục học hành. Người chị của một trong ba em này vẫn thường liên lạc để bày tỏ sự cảm kích vì em của cô không dang dở con đường đến trường. Nay trong ba người ấy có em đã là tiến sĩ, một em cũng học đến sau ĐH.

Tôi đã xin thanh gươm mà ba em dùng đi cướp (là vật chứng, theo quy định phải bị tiêu hủy) về treo trong phòng làm việc của mình như một kỷ niệm, nhắc nhở mình về lý-tình trong xét xử, tạo điều kiện cho con người hướng thiện.

Sau những phiên tòa đầy áp lực, thẩm phán Vũ Phi Long - Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM xả stress qua các chuyến tham quan du lịch. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Một vụ án về ma túy khác cũng liên quan đến học sinh. Người cha sai con gái đang học lớp 10 đi mua ma túy, phân nửa để sử dụng, nửa còn lại để bán kiếm lời. Thật tội cho cô gái nhỏ khi phải đối diện với án ma túy, tương lai có nguy cơ khép lại.

Cũng may, khi ấy kịp thời có một nghị quyết hướng dẫn của TAND Tối cao ra đời. Theo đó, người dưới 16 tuổi mà mua bán ma túy có trọng lượng dưới 5 g thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (rất nghiêm trọng mới phạm tội, mà trường hợp của cô bé chỉ truy cứu lần bắt quả tang thôi). Nhờ nghị quyết này mà tôi kịp thời giải tỏa được những mắc mứu lý-tình. Tôi đã mạnh dạn hơn trong việc tuyên cô bé không phạm tội. Giọng mếu máo khi được cho về, cô bé hỏi: “Cháu có được đi học không?”. Tôi cũng xúc động nói: “Cháu được phép về tiếp tục học”. Vậy là một cuộc đời nữa sẽ không dở dang.

Những phận người sau bản án

Một bị cáo gây tai nạn làm chết người ngồi sau xe mình, chính bị cáo cũng bị thương tật 36%. Hiện trường là khúc cua ngặt và vướng cây cối, khuất tầm nhìn, đã xảy ra nhiều tai nạn chết người. Tòa sơ thẩm đã phạt bị cáo ba năm tù.

Qua vợ nạn nhân tôi được biết bị cáo và nạn nhân là bạn bè nhiều năm. Khi đi làm hay đi đám tiệc thì bị cáo thường cho nạn nhân đi xe nhờ. Bị cáo đang phụng dưỡng bà ngoại gần 90 tuổi bị tai biến cùng người mẹ tâm thần. Vợ nạn nhân cũng trìnhh bày rằng thu nhập 3 triệu đồng/tháng nhưng bị cáo nhận chu cấp mỗi tháng 1,2 triệu đồng, thương quá chị chỉ nhận 600.000 đồng.

Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ. Vợ nạn nhân cũng kháng cáo xin cho bị cáo được hưởng án treo. Chị mong muốn bị cáo được tiếp tục đi làm lo cho gia đình, bồi thường và cấp dưỡng phí tổn nuôi con cho chị. HĐXX phúc thẩm đã quyết định giảm án, tuyên mức án hai năm tù đối với bị cáo.

Pháp luật đã quy định rõ trường hợp hoàn toàn có lỗi trong việc vi phạm an toàn giao thông dẫn đến chết người thì không thể được hưởng án treo. Sau phán quyết của tòa là những phận người, già trẻ, lớn bé đang cậy nhờ bàn tay bị cáo chu toàn; bị cáo lại không hiểu pháp luật. Vì thế tôi đã làm một việc bất thường sau khi tuyên án: Tôi gọi bị cáo đến hướng dẫn làm đơn xin hoãn thi hành án phạt tù gửi tòa sơ thẩm ngay. Bởi nếu chậm vài ngày sợ rằng tòa sẽ ra quyết định thi hành án. Tôi mong rằng hoàn cảnh của bị cáo sẽ là cơ sở để được chấp nhận cho hoãn. Trong thời gian hoãn, bị cáo còn có thể xin miễn chấp hành án…

Áp lực của người cầm cân nảy mực

Hơn 30 năm làm công việc xét xử án hình sự, tôi không thống kê nổi số lần mình đã tuyên án tử. Vụ án ma túy ở bến Bạch Đằng (“chợ” mua bán ma túy trên sông) có hơn 40 bị cáo. Tôi đã tuyên tám án tử, chín án chung thân. Sau phiên tòa, tôi yên tâm với quyết định của mình vì đó là những quyết định chính xác và cần thiết.

Khi đưa ra quyết định về hình phạt, tôi thường đưa mắt về phía thân nhân của bị cáo như bày tỏ sự chia sẻ với mất mát trước mắt và lâu dài của họ. Các bị cáo đã phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Tuy họ gây tội với người bị hại, với những trật tự xã hội mà pháp luật bảo vệ nhưng họ không gây tội với người thân. Người thân của họ đau khổ về phán quyết của tòa, nỗi đau dài theo năm tháng. Đó là sự chia sẻ cần thiết của pháp luật. Tôi cũng hướng cái nhìn về phía người bị hại như để họ hiểu rằng pháp luật vậy là đã công bằng.

Với các bị cáo thì cuộc bán mua đã kết thúc nhưng mẹ, chị, vợ, con họ vẫn phải sống với nỗi đau đè nặng, đeo mang. Đâu đó ngoài kia vẫn còn những chàng trai, cô gái và gia đình họ đang phải vật vã vì ma túy, những cuộc đời chẳng thấy ngày mai. Thế nên dư luận đòi hỏi phải nghiêm trị để bảo vệ cái chung.

***

Những thân phận con người trong các vụ án cùng nghịch cảnh mà họ gánh chịu là điều làm tôi luôn bận lòng. Tôi tin cuộc sống như một dòng chảy, vẫn tiếp diễn bất chấp những nghịch cảnh ấy. Tôi buộc mình phải đưa ra những phán quyết mang cả lý và tình, dựa trên lẽ công bằng và pháp luật để nụ cười hạnh phúc lại nở trên môi con người.

Có nỗi đau nào xé lòng hơn thế nữa…

Tôi nhớ đã từng xử một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo quê ở Thanh Hóa, hay tin chồng bị TNGT chấn thương sọ não đã phải vay mượn tứ tung đầu làng cuối xã để vào lo cho chồng. Chị vay lãi cao nên từ đó nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con. Tôi đã tuyên chị không phạm tội vì đây chỉ là quan hệ dân sự.

Sau phiên sơ thẩm, chị về quê tiếp tục làm ruộng và chăm lo cho chồng. Khi VKS kháng nghị, chị buộc phải vào lại TP.HCM để tòa xét xử phúc thẩm. Nhưng phiên tòa phúc thẩm ấy đã không bao giờ diễn ra nữa: Trên đường vào Nam dự tòa, TNGT đã cướp đi mạng sống của chị. Một số phận nghiệt ngã của người phụ nữ nặng gánh chồng con đã kết thúc như thế đó…

_____________________________________________

(*) Thẩm phán Vũ Phi Long hiện là phó chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm