Trả lời luật sư Hùng, ông Hà Văn Thắm (nguyên chủ tịch HĐQT OceanBank) xác nhận tháng 4-2014, có một công ty của Singapore chào mua 5% cổ phần của PVN tại OceanBank. Kế đó, một công ty khác của Việt Nam có văn bản chào mua 15% cổ phần của PVN tại OceanBank. Ngay sau đó, ông Thắm ký văn bản gửi PVN và Công ty Chứng khoán Dầu khí đề nghị thực hiện điều chỉnh phần vốn góp.
Tiếp đó, ngày 7-5-2014, PVN đã có văn bản cho Chính phủ với nội dung trình Thủ tướng xem xét cho phép PVN được chuyển nhượng vốn của PVN tại OceanBank sang cho tổ chức khác.
Ngày 12-6-2014, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho phép PVN thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần tại OceanBank bằng hình thức đấu giá công khai theo quy định. Trường hợp đấu giá không thành thì chuyển Ngân hàng Nhà nước (NHNN) làm đại diện phần vốn góp và báo cáo Thủ tướng.
Tuy nhiên, ngày 26-6-2014, sau hai tuần, Văn phòng Chính phủ lại có công văn truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng yêu cầu PVN ngừng thoái vốn và giao cho NHNN giải quyết.
Đến ngày 6-5-2015, Thống đốc NHNN ban hành quyết định mua bắt buộc 100% cổ phần của OceanBank với giá 0 đồng, chấm dứt toàn bộ quyền và tư cách của các cổ đông.
Theo luật sư Hùng, việc giải quyết của các cơ quan nhà nước nêu trên đã dẫn đến PVN mất cơ hội thoái vốn tại OceanBank khi có đối tác hỏi mua cổ phần, phát sinh nguy cơ mất vốn...
Ông Đinh La Thăng. Ảnh: TTX
"Các văn bản luật sư nêu trên cho thấyviệc xin thoái vốn của PVN tại OceanBank đã có chỉ đạo từ tháng 3-2011. Khi có công ty của Singapore xin mua 5% cổ phần và một công ty khác của Việt Nam xin mua 15% cổ phần thì đầu tiên đã được Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Nhưng sau đó hai tuần lại không đồng ý. Việc mất vốn (của PVN tại OceanBank) sau khi bị NHNN mua 0 đồng thuộc trách nhiệm của người ký không cho phép PVN thoái vốn. Việc mất vốn này không thuộc trách nhiệm PVN” - ông Thăng nói và cho rằng PVN đã tìm được đối tác, đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ. OceanBank đã trình kế hoạch của đơn vị mua với giá tối thiểu là bằng mệnh giá nhưng lại không được thoái vốn.
"Xuất phát từ việc NHNN đề nghị giữ lại, sau đó Phó Thủ tướng đã đồng ý dừng lại. Nhưng sau đó, chính NHNN lại ra quyết định mua 0 đồng. Điều này quá không đúng pháp luật, quá gây thiệt cho cổ đông, trong đó có PVN là 20%".