Sáng nay (24-3), VKS đã đối đáp lại phần bào chữa của các bị cáo và luật sư. Ngay sau đó, ông Đinh La Thăng cũng đối đáp lại VKS. Có những thời điểm, ông Thăng khá gay gắt khi phản bác lại các ý kiến của VKS.
Ông Đinh La Thăng nói:
Bị cáo xin trình bày lại, không phải cho riêng bị cáo mà cho các nguyên lãnh đạo PVN thời điểm năm 2006-2011. Bị cáo mong muốn sự thật được sáng tỏ, hoàn toàn khách quan chứ không thể chủ quan.
Về chủ trương dừng thành lập Ngân hàng Hồng Việt, xử lý hàng trăm tỉ đồng, hàng trăm nhân sự đã chuẩn bị cho sự thành lập của ngân hàng này nên buộc phải giải quyết. Rõ ràng đây là hệ lụy từ chủ trương đúng của Đảng, Chính phủ nhưng do tình hình lúc đó nên buộc phải dừng lại. Tại phiên tòa hôm trước, chị Hòa (bà Phan Thị Hòa, nguyên thành viên HĐQT giai đoạn 2008) cũng xác nhận chủ trương này là đúng. Như vậy, chủ trương này là có chứ không phải bịa đặt…
VKS có quyền đưa ra quan điểm của mình, nhưng bị cáo cũng phải đưa ra những căn cứ thực tế chứ không thể nói đó là giấu tội. Cứ VKS đưa ra, bị cáo đồng ý ngay thì không bị coi là chối tội, còn nếu bị cáo đưa ra quan điểm thì lại bị coi là chối tội.
Đại diện VKS nêu bị cáo đưa ý tưởng đầu tiên, chỉ đạo đi đàm phán với các đối tác nên dẫn đến các sự việc tiếp theo. Nhưng nếu bị cáo không chỉ đạo thì cũng phải có một người khác đi đàm phán chứ? Việc xử lý các hệ lụy của Ngân hàng Hồng Việt là có thật, hàng trăm tỉ bỏ ra rồi, hàng trăm con người ngồi đấy, đàm phán không dễ dàng gì, đàm phán rất nhiều lần với các đối tác khác.
Rất mừng vì tìm được đối tác OceanBank, là cơ hội để PVN giải quyết hệ lụy. Nếu chủ tịch PVN không chỉ đạo đi tìm đối tác, giải quyết hệ lụy đó thì ai là người chỉ đạo? Mấu chốt là đã đàm phán với các đối tác khác nhưng họ không chấp nhận điều kiện của PVN. Còn nếu quy kết bị cáo chỉ đạo việc này thì không hợp lý. Nếu bị cáo không chỉ đạo thì vứt đi hàng trăm tỉ đã đầu tư và hàng trăm con người chuẩn bị cho Ngân hàng Hồng Việt. Nếu bỏ đi mấy trăm tỉ, thế thì bị cáo đã không có tội. Giờ đề xuất phương án giải quyết mấy trăm tỉ đó thì lại có tội…
Về vấn đề đồng phạm, tất cả thành viên HĐTV theo nguyên tắc làm việc tập thể, biểu quyết có giá trị ngang nhau đều nỗ lực phấn đầu vì sự phát triển của PVN, khi thực hiện thì không bao giờ cố tình làm sai nên không thể gọi là đồng phạm. Đây là những cá nhân làm việc tích cực, đóng góp cả cuộc đời, tâm huyết cho công việc, cùng bị cáo thực hiện nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao, kinh doanh có lãi.
Kết luận 41 của Bộ Chính trị nêu rõ: Chiến lược của PVN từ năm 2006 đến 2015, tầm nhìn đến năm 2025 là xây dựng phát triển PVN thành tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước. Thực tế, PVN đã trở thành tập đoàn kinh doanh đa ngành, là tập đoàn kinh tế lớn nhất, có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, là công cụ điều tiết kinh tế quan trọng của Chính phủ...
Nếu không có sự nỗ lực cố gắng của cả tập thể đó thì làm sao có kết quả như vậy, trong bối cảnh khó khăn, phức tạp như vậy mà vẫn tăng trưởng kinh tế.
Các bị cáo ở đây cả cuộc đời cống hiến cho ngành dầu khí, mong HĐXX và VKS xem xét. Bị cáo rất day dứt về việc các thành viên HĐQT bị quy kết đồng phạm trong tội cố ý làm trái.
Về hiệu quả đầu tư. Đây là sự thật. Việc đầu tư đã mang lại lợi nhuận 244 tỉ, chưa kể toàn bộ giá trị tiền đã đầu tư vào Ngân hàng Hồng Việt mà OceanBank nhận lại. Khi đầu tư không bao giờ và không thể nghĩ được khi thoái vốn sẽ không được đồng ý và đến năm 2015 OceanBank sẽ bị mua với giá 0 đồng. HĐQT phải là thánh mới biết được năm 2015 bị mua 0 đồng.
Ông Thăng đang đối đáp lại VKS. Ảnh: Đ.MINH
Vấn đề về việc thoái vốn phải có chỉ đạo của Thủ tướng và phải có lộ trình. Đó là sự bất công cho bị cáo, bị cáo khó chịu lắm. Bị cáo đã trình chứng cứ nhưng đại diện VKS không đưa vào.
Việc thoái vốn phải xin phép Thủ tướng và phải có lộ trình. Tháng 3-2011, bị cáo đã có chỉ đạo thoái vốn, HĐQT cũng đã ra nghị quyết, nghị quyết cũng đã nộp lại cho đại diện VKS và cơ quan điều tra nhưng cơ quan điều tra và VKS lại chỉ lấy những cái không có lợi cho bị cáo để đưa vào cáo trạng. Những điều này chứng minh bị cáo có chỉ đạo thoái vốn nhưng không được đưa vào.
Tại phiên tòa, bị cáo nêu khi biểu quyết thông qua nghị quyết, chỉ cần một người không đồng ý thì cũng có thể cho dừng lại, VKS cho rằng bị cáo độc đoán, chuyên quyền, nhưng đây là việc làm dân chủ, mọi việc phải được tất cả mọi người đồng ý. Đây là sự dân chủ và là cách làm của HĐTV PVN, thống nhất cao mới thông qua. Trong cả quá trình làm việc, cả ở PVN và các đơn vị khác, chưa từng ai nói bị cáo độc đoán, chuyên quyền.
Như bị cáo nêu, việc thoái vốn đã có chỉ đạo từ tháng 3-2011, việc thoái vốn phải có lộ trình và được Thủ tướng đồng ý, cho phép thoái vốn đến năm 2015. Đó là cả một lộ trình chứ không phải thích cho là cho, thích rút ra là rút ra. Việc này không thuộc thẩm quyền, không thuộc tầm kiểm soát của PVN.
Đại diện VKS đánh giá OceanBank thời điểm đó vốn chủ sở hữu âm... nhưng đối tác vẫn mua, sau khi đã được xem kết luận thanh tra. Thực tế, việc mua OceanBank với giá 0 đồng, chuyển thành ngân hàng TNHH một thành viên thì Ngân hàng Nhà nước đã bỏ đồng nào vào Ngân hàng Đại Dương chưa? Vẫn đăng ký vốn điều lệ là 4.000 tỉ đồng. Vậy 4.000 tỉ đồng ở đâu, rõ ràng vẫn là của các cổ đông... Ngân hàng Nhà nước lấy tiền đâu để bỏ vào đấy? Nếu Ngân hàng Nhà nước lấy tiền ngân sách bỏ vào đấy là vi phạm Luật Ngân sách nhà nước vì theo quy định, không thể lấy tiền của Nhà nước bù lỗ cho doanh nghiệp.
Tháng 8-2011, bị cáo đã chuyển công tác. Trong ba năm sau khi bị cáo chuyển công tác, ngân hàng vẫn có lãi. Sao bị cáo lại phải chịu trách nhiệm được? Xin lỗi HĐXX, xin lỗi đại diện VKS, nó giống như chuyện một ông lấy người vợ mà chồng trước đã chết. Ông này cứ đi ra mộ ông chồng kia khóc vật vã. Hỏi vì sao khóc thì bảo vì ông này chết nên tôi mới phải lấy vợ của ông.
Xin lỗi HĐXX, đại diện VKS, thực sự bị cáo không định phát biểu gì nữa. Mặc dù sau lưng bị cáo đã là một bản án 13 năm tù và phía trước đang chờ bản án này. Theo đề nghị của VKS thì mức án rất nặng. Bị cáo cố gắng để trình bày không chỉ riêng vì bị cáo mà còn vì bao anh em khác. Rất mong HĐXX, đại diện VKS xem xét đánh giá một cách khách quan, thực tế tại thời điểm lịch sử đó để có phương hướng xử lý công minh, khách quan, công bằng. Hãy đối xử với bị cáo như số phận một con người.
Ông Thăng kết thúc bài phát biểu của mình.