“Tại sao Bamboo Airways muốn mở đường bay đi Mỹ? Rất nhiều người cho rằng Bamboo mở đường bay đi Mỹ không khả thi, thậm chí là có phần “chém gió”. Cũng giống như câu chuyện trước đây khi Bamboo chưa cất cánh có người cũng bảo tôi là "chém gió", ông Quyết mà bay tôi về chăn vịt... Chưa kể, tôi cũng là một người gây tốn nhiều giấy bút của các nhà báo và người dùng mạng xã hội, đặc biệt là nhiều người quan tâm về các tin thất thiệt”.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, mở đầu như vậy tại tọa đàm về việc sẵn sàng cho bay thẳng Việt-Mỹ do Hội KH&CN hàng không Việt Nam phối hợp với hãng hàng không Bamboo Airways, diễn ra chiều 1-8.
Ông Trịnh Văn Quyết phát biểu tại hội nghị và khẳng định sẽ mở đường bay thẳng tới Mỹ.
Ông Quyết thừa nhận mình là người nói nhiều nhưng làm nhiều hơn. Những gì Bamboo Airways làm được trong thời gian qua có thể nói là ấn tượng. Cụ thể, bay đúng giờ nhất, bay an toàn nhất, tỉ lệ lấp đầy trên dưới 90%.
Theo ông Quyết, dân số Việt Nam hiện nay gần 100 triệu, Singapore chỉ trên dưới 6 triệu nên hãng hàng không Singapore Airlines đang đi kiếm khách. Trong khi đó, nguyên số người gốc Việt ở Mỹ đã bằng nửa dân số Singapore... Chính vì vậy, không có lý do gì nói rằng thị trường Mỹ không có tiềm năng.
Ông Quyết dẫn chứng bằng bài toán kinh tế: Giả sử Bamboo phải thuê một máy bay 787 với giá khoảng 1 triệu USD/tháng (khoảng 23 tỉ đồng), chi phí tiền xăng dầu 61 tỉ đồng/tháng. Nếu một tháng bay 17 ngày, mỗi chuyến bay thông thường 15 tiếng thì chi phí kỹ thuật 16 tỉ đồng/tháng, chi phí dịch vụ mặt đất 1 tỉ đồng/tháng, chi phí khác 6 tỉ đồng/tháng…
Về thu, nếu bán vé khứ hồi cho 240 hành khách với giá 1.100 USD (máy bay 787-9 có 310 ghế), số tiền thu về ước trên 116 tỉ đồng/tháng. Số lỗ ước khoảng 14 tỉ đồng. Thế nhưng nếu bán vé khứ hồi tăng lên mức 1.300 USD, số lãi rơi vào 8,4 tỉ đồng/tháng.
Trong khi đó, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết ngay sau khi Hiệp định hàng không Việt Nam - Mỹ được ký tháng 12-2003, các nhà hoạch định chiến lược của ngành hàng không Việt Nam đã phối hợp, xúc tiến xây dựng một kế hoạch khai thác các đường bay đến bờ Tây Mỹ. Tuy nhiên, thời điểm đó chưa cho phép hai nước mở thông thoáng toàn bộ, vì năng lực hàng không vênh nhau lớn.
Năm 2010, Việt Nam có rà soát, đánh giá lại hiệp định trên. Theo đó, hai bên không có rào cản nào, các hãng hàng không hai bên có thể lựa chọn điểm đi, đến. Duy nhất chỉ có hạn chế là tìm ra một điểm giữa thích hợp tại châu Á để khai thác đường bay, nếu không bay thẳng.
Theo ông Cường, đến thời điểm hiện tại chưa có hãng nào trong nước mở đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ. Riêng phía Mỹ có mở một đường bay đến Việt Nam nhưng rất tiếc một thời gian sau cũng ngừng khai thác vì lỗ.
“Với các phân tích trên, tôi khẳng định giữa Việt Nam - Mỹ hiện nay không có vướng mắc nào về pháp lý để mở đường bay…” - ông Cường nói.
Đối với năng lực hàng không, ông Cường cũng khẳng định việc Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) cho Cục Hàng không Việt Nam đồng nghĩa với việc các hãng hàng không trong nước được mở đường bay thẳng tới Mỹ và liên danh với các hãng hàng không của Mỹ.
Về thị trường Mỹ, ông Cường đánh giá đây là một thị trường lớn, giàu tiềm năng với tổng dung lượng thị trường giữa Việt Nam và Mỹ năm 2017 đạt trên 700.000 lượt hành khách với tỉ lệ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010-2017 đạt trên 8%/năm. “Tôi nghĩ khi có đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ thì lượng khách chắc chắn sẽ tăng cao hơn” - ông Cường khẳng định.
Bamboo Airways chuẩn bị nhận máy bay 787-9 Ông Trịnh Văn Quyết khẳng định đến tháng 12-2019, doanh nghiệp sẽ nhận máy bay đầu tiên 787-9 của Boeing. “Chúng tôi đã quyết định sử dụng động cơ GE của Mỹ để Boeing hoàn thiện, bàn giao chiếc máy bay đầu tiên theo thỏa thuận đã ký kết với sự chứng kiến của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump" - ông Quyết nói. |