Hãng tin Bloomberg vừa dẫn các nguồn tin cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị các trợ lý tìm cách hạ giá đồng USD. Vì đồng USD tăng mạnh có thể dẫn đến ảnh hưởng xấu nền kinh tế, trong khi ông sắp bước vào chiến dịch tranh cử mới.
Trước đó, ông Trump kêu gọi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất, thậm chí còn dọa sa thải hoặc giáng chức ông Chủ tịch FED Jerome Powell. Điều này có lẽ khá lạ, vì FED luôn độc lập với chính phủ, và không ai có quyền can thiệp đến đồng USD ngoại trừ cơ quan này. Giới quan sát lo ngại rằng vai trò độc lập của FED đang bị đe dọa.
Tuy vậy, FED vừa bắn tín hiệu sẵn sàng để cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong một thập kỷ do hoạt động sản xuất, thương mại và đầu tư đồng loạt yếu đi trên toàn thế giới.
Những dấu hiệu này đã giúp giảm nhiều áp lực cho đồng Việt Nam. Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt, trong tháng 6 đầu năm, tiền đồng Việt Nam dần tăng giá so với đồng USD. Tính chung từ đầu năm tiền đồng chỉ trượt giá 0,5%.
Đồng nội tệ tăng giá do một số yếu tố như thặng dư thương mại 400 triệu USD trong tháng 6; FDI giải ngân trong tháng 6 đạt 1,8 tỉ USD, mức cao nhất trong 6 tháng qua; FED có thái độ mềm mỏng hơn và chỉ số USD giảm.
Công ty Chứng khoán MBS cho biết, tỉ giá ổn định trở lại giao dịch quanh mốc 23.300 đồng sau khi Mỹ-Trung thoả thuận đình chiến tạm thời. Hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản kết thúc với hai nước Mỹ-Trung đồng ý trở lại đàm phán thương mại.
Đồng Nhân dân tệ (CNY) đã hồi phục về ngưỡng 6,85 CNY/USD sau một thời gian giao dịch trên mức 6,9 CNY/USD. Kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất ngay trong tháng 7 năm nay với xác xuất 100% khiến chỉ số sức mạnh đồng USD DXY rơi xuống ngưỡng 96,1 điểm, đóng cửa tháng 6 ở mức 96,13 điểm.
Điều này khiến các đồng tiền trong khu vực đều tăng so với đồng USD: từ đầu năm tới nay, đồng Baht Thái tăng 5,27%, Rupee Indonesia tăng 2,3%, PHP tăng 2,22%, SGD tăng 0,75%, NDT giảm 0,07% và VND giảm 0,39%.
"Các yếu tố trong nước ổn định và áp lực từ diễn biến chiến tranh thương mại giảm trong tháng 7 sẽ giúp thị trường ngoại hối ổn định hơn, tỉ giá VND/USD được kỳ vọng sẽ giảm biến động và duy trì giao dịch quanh mức 23.300 đồng/USD", MBS cho biết.
Thậm chí có thời điểm vào tháng 7 tỉ giá trung tâm đã bật tăng. Như ngày 9-7, tỉ giá trung tâm đã bật tăng thêm 5 đồng, đồng thời chạm mốc 23,078 đồng. Từ đỉnh mới này, tỉ giá trung tâm đã tăng thêm 253 đồng so với hồi đầu năm.
Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 2-2019 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng vừa công bố tỉ giá sẽ không có sự biến động nhiều trong năm 2019 và có thể nằm trong mức mục tiêu đã đề ra.
Theo VERP, nguyên nhân dựa trên các yếu tố là FED có khả năng cao sẽ giảm lãi suất trong tháng 7. Thứ hai là việc các đồng tiền châu Á đang được cho là bị đánh giá thấp so với USD. Cuối cùng là Việt Nam nhằm trong danh sách cần giám sát thao túng tiền tệ của Mỹ trong tháng 5-2019.
Điều này đặt Ngân hàng Nhà nước dưới áp lực điều hành tỉ giá linh hoạt, hạn chế chính sách tiền tệ để tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế.
Theo thống kê VERP, từ cuối quý 4-2018 đến nay tỉ giá trung tâm liên tục tăng dù mức tăng không nhiều. Cụ thể, quý 4-2018 tỉ giá tăng 1,8%; quý 1-2019 tăng 1% trong khi quý 2-2019 chỉ tăng 0,3%.