Ông Trump sẽ ‘trị’ Triều Tiên bằng chiến tranh mạng?

Vào năm 2014, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã yêu cầu Lầu Năm Góc đẩy mạnh các chiến dịch tấn công mạng nhắm vào chương trình tên lửa Triều Tiên. Các chiến dịch đặt tham vọng phá hoại các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng ngay từ trong trứng nước.

Không thể “lấy đá chọi đá”

Lần thử thành công tên lửa tầm trung của Bình Nhưỡng vào ngày 12-2 đã làm sống lại kịch bản mà các chuyên gia quân sự Mỹ luôn lo ngại: Triều Tiên phát triển được công nghệ tên lửa xuyên lục địa đủ sức đe dọa các căn cứ của Mỹ cùng các đồng minh và thậm chí là vươn tới nước Mỹ. Thế nhưng hiện nay các biện pháp đối phó mà Lầu Năm Góc và Nhà Trắng có trong tay vẫn chưa thật sự tối ưu nếu như viễn cảnh trên trở thành hiện thực.

Tờ The New York Times bình luận Washington có thể đàm phán yêu cầu Bình Nhưỡng ngưng phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo như từng thử dưới thời cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il. Nhưng các thỏa thuận không thể đảm bảo 100% rằng Bình Nhưỡng sẽ không tái khởi động các chương trình này và Lầu Năm Góc tiếp tục sống trong cảnh “đêm dài lắm mộng”. Washington cũng có thể gây sức ép buộc Bắc Kinh cắt giảm viện trợ cho Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn luôn xem trọng mối quan hệ với người láng giềng và không ít lần chỉ “vung cao đánh khẽ”.

Theo tờ The New York Times, Mỹ cũng không thể dùng hỏa lực phá hủy hết những điểm phóng tên lửa của Triều Tiên, đặc biệt khi Bình Nhưỡng đã nắm trong tay công nghệ xe phóng tên lửa cơ động và đang phát triển công nghệ phóng tên lửa từ tàu ngầm. Dùng hỏa lực cũng đồng nghĩa sẽ châm ngòi một cuộc chiến mới mà nước Mỹ cùng đồng minh trong khu vực không mong muốn.

Suốt hơn nửa thế kỷ qua, Mỹ đã đổ ra gần 300 tỉ USD để phát triển các hệ thống lá chắn tên lửa với hy vọng có thể “dùng đạn bắn hạ đạn” hay nói nôm na là “lấy đá chọi đá”. Nhưng trong bản báo cáo năm 2014, Lầu Năm Góc đã cảnh báo rằng những lá chắn này không đủ khả năng bảo vệ lãnh thổ Mỹ một khi có xung đột thật sự xảy ra. Các đợt đánh chặn thử nghiệm ở Alaska và California cho thấy kết quả thành công chỉ có 56%. Nhiều chuyên gia quân sự cảnh báo tỉ lệ thành công thậm chí sẽ còn tệ hơn nữa trong thực chiến, tờ The New York Times cho biết.

Tổng thống Donald Trump sẽ phải quyết định đâu là cách ngăn chặn chương trình tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: BLOOMBERG

Các hệ thống tên lửa Triều Tiên có độ cơ động cao, khó có thể bị theo dõi và tiêu diệt. Ảnh: KCNA

Mở màn chiến tranh mạng

Trước tình cảnh đó, chính phủ của ông Obama vào năm 2014 đã quyết định đẩy mạnh phát triển các biện pháp tấn công mạng nhắm vào chương trình tên lửa của Triều Tiên, tờ The New York Times tiết lộ. Cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey, khẳng định “chiến tranh mạng và các đợt tấn công điện tử” sẽ trở thành các phương án mới để ngăn chặn các vụ tấn công bằng tên lửa của đối thủ.

Không lâu sau tuyên bố của tướng Dempsey, các vụ thử tên lửa của Triều Tiên thất bại liên tiếp với mật độ đáng kinh ngạc. Một số tên lửa thử nghiệm bị chệch lộ trình bay, hay thậm chí bị phát nổ giữa trời bởi sơ suất kỹ thuật hoặc do lỗi thiết kế. Theo điều tra của tờ The New York Times, các chương trình can thiệp mạng của Lầu Năm Góc đã góp phần làm tăng mức độ rủi ro, tăng các tính toán sai lệch đối với công nghệ tên lửa còn chưa hoàn thiện của Bình Nhưỡng.

Các chiến dịch này dường như đã bị Triều Tiên phát hiện. Theo trang North Korea News, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cuối năm 2015 đã ra lệnh điều tra xem Mỹ có đang phá hoại các đợt phóng tên lửa của Triều Tiên hay không. Không những thế, Bình Nhưỡng cũng cố gắng phát triển năng lực chiến tranh mạng của riêng mình. Theo hãng tin Yonhap, không ít lần những tín hiệu điện từ trong những cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn bị gây nhiễu. Ủy ban Khoa học quốc phòng Mỹ tháng 2-2017 cũng cảnh báo Triều Tiên có thể đủ khả năng phá hoại mạng lưới điện của Mỹ và đe dọa các hệ thống mạng then chốt của đất nước.

Cuộc chiến tranh mạng thầm lặng giữa Triều Tiên và Mỹ giờ đây được kế thừa bởi Tổng thống đời thứ 45 Donald Trump. Nhiều chuyên gia cảnh báo một cuộc chiến tranh mạng quy mô lớn nhắm vào các hệ thống phóng tên lửa hạt nhân của Triều Tiên sẽ tạo tiền lệ xấu để các nước như Trung Quốc và Nga lao vào chạy đua vũ trang mạng. Khi đó, ngay cả những hệ thống tên lửa của Mỹ cũng sẽ không còn an toàn, hay thậm chí sẽ khơi mào một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Iran cũng từng là “nạn nhân”

Mỹ và Israel cũng đã từng hợp tác phát triển sâu máy tính Stuxnet cực kỳ tinh vi với mục đích phá hoại chương trình hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, chiến dịch này cuối cùng vẫn bị khắc chế. Sau vài năm chương trình hạt nhân ngưng trệ, các nhà khoa học Iran đã phát hiện được Stuxnet và nhanh chóng tìm ra phương hướng khắc phục hệ thống.

Nhiều nhà khoa học đánh giá các chiến dịch tấn công mạng nhắm vào Triều Tiên đòi hỏi sự tinh vi hơn rất nhiều so với Stuxnet. Trong khi cơ sở làm giàu hạt nhân của Iran là một địa điểm cố định, có thể dễ dàng tấn công mạng liên tiếp, các hệ thống tên lửa của Triều Tiên lại được rải rác nhiều địa điểm trên cả nước và có tính cơ động cao. Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo nguy cơ tên lửa Triều Tiên bị can thiệp bởi tấn công mạng có thể chệch hướng khó lường và đe dọa các nước đồng minh của Mỹ.

__________________________________

Làm ngưng trệ các vụ thử tên lửa là cách thức hiệu quả để ngăn Triều Tiên phát triển chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

WILLIAM J. PERRY, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới