Ông Trương Quốc Cường nói gì về việc ‘phớt lờ’ cảnh báo thuốc giả Health 2000 Canada?

(PLO)- Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết đã từng chủ động đi xác minh nhưng thông tin không rõ ràng, các phòng chức năng lại không tham mưu về thu hồi thuốc khi có cảnh báo nên để xảy ra hậu quả.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 13-5, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử bị cáo Trương Quốc Cường (cựu thứ trưởng Bộ Y tế) và 13 bị cáo khác trong vụ buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại Công ty VN Pharma.

Đây là một trong những vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo và yêu cầu phải khẩn trương hoàn tất điều tra, truy tố, đưa ra xét xử trong quý II-2022.

Cựu thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường. Ảnh: UYÊN TRANG

Cựu thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường. Ảnh: UYÊN TRANG

Tại thời điểm xảy ra vụ án, người có vai trò cao nhất ở Cục Quản lý dược là bị cáo Trương Quốc Cường, thời điểm đó là Cục trưởng, sau này là thứ trưởng Bộ Y tế.

Với cương vị phó chủ tịch thường trực Hội đồng xét duyệt thuốc, bị cáo Cường đã thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao; thiếu giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định và bộ phận thường trực đăng ký thuốc.

Bị cáo Cường đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký thuốc trong khi hồ sơ không đủ điều kiện, dẫn đến hậu quả 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam với trị giá hơn 148 tỉ đồng.

Đặc biệt, trước khi vụ án bị khởi tố, nhiều cơ quan bao gồm cả phía Việt Nam và Canada đã có cảnh báo về thuốc Health 2000 Canada là không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thế nhưng, ông Cường không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy các loại thuốc này.

Hành vi trên dẫn đến hậu quả các cơ sở y tế trong nước tiếp tục sử dụng các loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada để điều trị cho người bệnh, với tổng giá trị hơn 3,7 tỉ đồng…

Trả lời trước tòa, ông Cường cho biết, trước đây quy trình đăng ký thuốc có nội dung phân công nhóm trưởng, báo cáo thủ trưởng. Nhưng từ năm 2007, quy chế cao hơn, bỏ hết các nội dung này nên bị cáo không được nghe cấp dưới báo cáo, từ đó dẫn đến sai phạm.

Chủ tọa truy vấn việc cấp thuốc của doanh nghiệp nước ngoài phải qua Cục Lãnh sự. Vậy tại sao bảy loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 của VN Pharma nhập khẩu vào Việt Nam đều không qua Cục Lãnh sự?

Ông Cường cho hay từng được cấp dưới tham mưu áp dụng công văn cũ, rằng không phải qua Cục Lãnh sự. Khi ấy, ông không đồng ý, yêu cầu phải qua Cục Lãnh sự. Tuy nhiên trên thực tế, hồ sơ cấp phép cho các loại thuốc lại không có loại giấy tờ này.

Cựu Thứ trưởng thừa nhận "có thiếu sót" và nói trong quy trình thẩm định mới không có báo cáo Cục trưởng, ông chỉ là người đứng đầu, phụ trách chung, việc thẩm định đã được giao cụ thể cho từng cấp và "bị cáo không trực tiếp làm nên không phát hiện ra".

Ông Cường nhận mình là người đứng đầu, mọi việc xảy ra xin nhận hoàn toàn trách nhiệm. Tuy nhiên, bị cáo mong tòa xem xét vì không được cấp dưới báo cáo.

Đáng chú ý, giải thích về cáo buộc không có biện pháp ngăn chặn khi cơ quan điều tra đã có cảnh báo về lô thuốc, ông Cường cho hay, cách đây hơn chục năm, ông cũng đã chủ động đi xác minh. Do thông tin phản hồi không rõ ràng, các phòng chức năng lại không tham mưu về thu hồi số thuốc, nên việc này đã không được thực hiện.

Nghe vậy, chủ tọa cho rằng đây chính là sai lầm lớn của cựu Thứ trưởng, “nếu lúc đó bị cáo thận trọng và phối hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế, các chuyên ngành thì hậu quả không đến mức như vậy”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm