Ngày 23-11, phiên sơ thẩm xét xử vụ án đánh bạc trực tuyến ngàn tỉ liên quan đến hai cựu tướng công an tiếp tục phần tranh luận. Đáng chú ý, ông Phan Văn Vĩnh, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, đã được đại diện VKS ghi nhận là “thành khẩn khai báo” thay vì “không thành khẩn” như phần luận tội trước đó.
Mong nhân dân tha thứ!
Trước HĐXX, ông Vĩnh nói: “Trước tiên bị cáo nhận thấy lỗi lầm của mình. Trong suốt quá trình từ khi nhận cáo trạng đến khi ra tòa, trước phần thẩm vấn, bị cáo đã nhận rõ ràng, mạch lạc mình đã vi phạm tội lợi dụng… Bị cáo nhất quán nhận lỗi, lỗi đến đâu chịu đến đó, bị cáo không đổ trách nhiệm cho ai. Bị cáo xin được áp dụng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo mong được hạ hình phạt xuống mức thấp nhất”.
Sau đó, ông Vĩnh xin được trình bày thêm một chút về tội danh vì “chỉ có người trong cuộc mới hiểu được bản chất sai phạm”. Theo ông Vĩnh, ông đã thấy lỗ hổng và khe hở bắt đầu từ Quyết định 1155 (cho phép CNC xây dựng mô hình cổng trò chơi trên mạng có tích hợp mạng xã hội trực tuyến, cho phép người dùng chuyển đổi một phần tài khoản ảo sang thẻ ảo hoặc ví điện tử do Công ty CNC phát hành… - PV).
“Công văn 1155 về hình thức là đề xuất phục vụ cho yêu cầu nghiệp vụ nhưng quan trọng hơn là đề xuất xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về an ninh mạng, lấy một phần cơ bản từ hoạt động thử nghiệm và thí điểm này. Ở chỗ này tôi đã xác định có yếu tố trái công vụ, vượt quá quyền hạn của mình khi tôi chưa được lãnh đạo cho phép” - bị cáo nói.
Ông Vĩnh thừa nhận từ hành vi này dẫn tới liên tiếp các hành vi khác, dẫn tới sai phạm. Đây là lỗi rất nghiêm trọng, để Nguyễn Thanh Hóa và Nguyễn Văn Dương thực hiện hành vi sai phạm dẫn tới hậu quả của vụ án hết sức nghiêm trọng. Kết thúc phần tự bào chữa, ông Vĩnh xin HĐXX cho mình được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật, mong bạn bè, đồng sự, nhân dân tha lỗi.
Đối đáp lại, đại diện VKS cho rằng bị cáo đã nhận lỗi lầm của mình. “Chúng tôi ghi nhận bị cáo đã thành khẩn khai báo” - VKS nói và đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ này.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh. Ảnh: TP
“Tạo hóa cho bộ não bé nhưng tham vọng quá lớn”
Về phần mình, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, cựu cục trưởng Cục C50, cho biết mấy đêm nay đã suy nghĩ nhiều về hành vi sai phạm. Ông nói dù có ăn năn, hối hận 1.000 lần đi nữa cũng không thay đổi được gì nữa nhưng hình phạt bị VKS đề nghị là quá nặng.
Theo ông Hóa, khi được giao xây dựng lực lượng cảnh sát đấu tranh phòng, chống tội phạm về công nghệ cao, ông không am hiểu gì về công nghệ nhưng vẫn cố hết sức của mình. “Tạo hóa cho tôi một bộ não quá bé nhưng lại cho tôi một tham vọng quá lớn” - ông Hóa nói.
Tranh luận lại, đại diện VKS cho rằng luật sư (LS) Đỗ Ngọc Quang, người bào chữa cho ông Hóa, ban đầu đưa ra quan điểm thân chủ của mình phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sau đó bảo “dường như là không”, cuối cùng lại đề nghị xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. “Ngay trong bản bào chữa của LS có nhiều mâu thuẫn” - đại diện VKS nói.
Trong khi LS thứ hai bào chữa lại cho rằng ông Hóa “chỉ làm không kịp thời khi biết Dương và đồng phạm đánh bạc”. LS này xác định bị cáo Hóa phạm tội lợi dụng. VKS đề nghị ông Hóa khẳng định chấp nhận lời bào chữa của LS nào. Đáp lại, ông Hóa nói ông đã nhận tội. Do nhận thức của từng LS nên quan điểm của các LS khác nhau, ông mong LS xác nhận tất cả hành vi của ông để tranh luận với VKS.
Sau khi nghe LS bảo vệ cho ông Hóa đối đáp lại, đại diện VKS đề nghị quay lại phần xét hỏi đối với bị cáo. Trong các câu hỏi, đại diện VKS tập trung vào số tiền 700 triệu đồng mà Nguyễn Văn Dương khai cho Cục C50 vào các dịp Tết.
Cựu cục trưởng C50 trình bày rằng năm 2015-2016 có họp đảng ủy, giao cho anh em lo cho cán bộ, chiến sĩ. Khi Công ty CNC cho tiền, cá nhân bị cáo không biết, sau khi được cấp dưới báo cáo thì “cám ơn người ta, chúc người ta mạnh khỏe sống lâu, chia cho anh em cán bộ, chiến sĩ”.
Ông Hóa xác nhận ba năm 2014, 2015 và 2016 nhận tổng số 700 triệu đồng qua báo cáo. Vì đây là tiền hỗ trợ Tết, không góp cho cục nên theo ông Hóa không nộp vào ngân sách cục. Ngân sách cục đã được Dương tặng bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000 USD.
Hôm nay, tòa tiếp tục làm việc.
Tiếng để đời vì bảo kê tội phạm Phần tranh luận với các LS, đại diện VKS nhận định: Quá trình xét xử, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa khẳng định việc mình làm là chống tội phạm, là không sai. Người có trách nhiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm lại đi làm cái việc như vậy rồi bảo là không sai, để cho người khác nhận thức lệch lạc. Qua đó Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam, Hoàng Thành Trung mới đưa game bài ra thị trường, làm nhiều người bị lầm tưởng và trở thành bị cáo trong vụ án này. Hậu quả lớn hơn mà Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa gây ra là làm mất lòng tin của nhân dân và bạn bè quốc tế đối với hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước nói chung, của Bộ Công an nói riêng, làm ảnh hưởng đến uy tín của Tổng cục Cảnh sát và C50. “Cái tiếng để đời là cán bộ của cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về công nghệ cao mà dung túng, chống lưng, bảo kê cho tội phạm” - đại diện VKS nói. Hàng loạt bị cáo vào phòng y tế Cuối buổi sáng 23-11, LS Đỗ Ngọc Quang đề nghị HĐXX về việc đưa thân chủ là ông Hóa tới BV đa khoa Phú Thọ để kiểm tra sức khỏe. Đến đầu giờ chiều, bị cáo này có đơn xin xét xử vắng mặt vì đang nằm điều trị tại bệnh viện. Cùng đó, LS Trần Hồng Phúc đề nghị cho bị cáo Nguyễn Văn Dương vào phòng y tế vì lý do sức khỏe. Điều này cũng diễn ra với ông Phan Văn Vĩnh sau khi bị cáo này kết thúc phần tự bào chữa của mình. Cũng với lý do sức khỏe, bị cáo Đỗ Bích Thủy phải cấp cứu trong bệnh viện, bị cáo Phan Thu Hương đi cùng. Trong quá trình phiên tòa diễn ra, bị cáo Lưu Thị Hồng cũng rời khỏi vị trí ghế bị cáo trong một khoảng thời gian khá dài. Có những thời điểm tại hàng ghế dành cho nhóm bị cáo bị bắt tạm giam chỉ còn duy nhất Phan Sào Nam. |