Pakistan - điển hình nước nghèo phải gánh hậu quả biến đổi khí hậu

(PLO)- Pakistan là trường hợp điển hình một nước đang phát triển phải chịu tác động tiêu cực từ tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu do hành vi gây ô nhiễm của những nước phát triển giàu hơn.

Hơn 1.300 người thiệt mạng và 1/3 lãnh thổ Pakistan chìm trong biển lũ sau nhiều tuần mưa gió chưa từng có ập xuống quốc gia Nam Á này. Pakistan chỉ vừa thoát khỏi nạn hạn hán cũng nghiêm trọng không kém hồi tháng trước.

Pakistan gánh hậu quả biến đổi khí hậu

Ít nhất 33 triệu người bị ảnh hưởng, con số này thậm chí dự kiến còn tăng hơn nữa sau khi các nhà chức trách hoàn thành khảo sát thiệt hại vào tuần tới. Tại tỉnh Sindh của Pakistan - nơi sản xuất một nửa lương thực của cả nước, 90% mùa màng đã bị tàn phá. Toàn bộ làng mạc và ruộng nông nghiệp đã bị cuốn trôi. Hàng trăm cây cầu, hàng trăm kilomet đường bộ, hàng ngàn kilomet đường dây viễn thông bị sập hoặc hư hỏng.

Có thể thấy hiện tượng nóng lên toàn cầu vẫn chưa giảm. Sự tan chảy của các sông băng, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng sẽ không dừng lại nếu không có những cam kết rất nghiêm túc từ những bên cần phải chịu trách nhiệm.

Bà SHERRY REHMAN, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề biến đổi khí hậu của Pakistan

Nhiều người dân Pakistan rời các vùng nông thôn ngập lụt đến các TP lân cận để tìm thức ăn và nơi trú ẩn nhưng rồi phải trở về vì những nơi này không được trang bị đầy đủ để đối phó với thiên tai và lượng người chạy lụt quá đông.

Giới chuyên gia cảnh báo Pakistan là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới đối với hiện tượng nóng lên toàn cầu. Những trận lũ lụt thảm khốc hiện nay xảy ra sau bốn đợt nắng nóng liên tiếp với nhiệt độ lên tới 53 độ C hồi đầu năm. Pakistan có hơn 7.200 sông băng, nhiều hơn bất cứ nơi nào ngoại trừ các cực nhưng chúng đang tan chảy nhanh hơn và sớm hơn nhiều do nhiệt độ tăng, khiến cho lượng nước đổ vào các con sông càng nhiều hơn trong khi chúng đã quá tải bởi mưa nhiều.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Guardian, bà Sherry Rehman, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề biến đổi khí hậu của Pakistan, cáo buộc rằng nguyên nhân chủ yếu do các nước phát triển phát thải “vô trách nhiệm” làm trầm trọng tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Bà cũng chỉ trích các nước này không làm đúng cam kết cắt giảm khí thải và hỗ trợ các nước đang phát triển thích ứng với hậu quả của biến đổi khí hậu. Theo bà, Pakistan đang phải chịu quá nhiều mất mát về sinh mạng và thiệt hại về tiền của trong khi quốc tế lại không có các cơ chế chính thức để hỗ trợ, bồi thường cho những nước đang phát triển chịu tác động của biến đổi khí hậu.

“Hiện tượng nóng lên toàn cầu là cuộc khủng hoảng hiện hữu mà thế giới đang phải đối mặt. Chúng tôi đều biết rằng những cam kết đưa ra tại các diễn đàn đa phương đã không được thực hiện” - bà Rehman phản ánh thực tế.

Một khu vực bị ngập nghiêm trọng ở tỉnh Balochistan, phía Nam Pakistan hôm 5-9. Ảnh: AFP

Các nước phát triển cần hành động gấp

Dù rất chia sẻ với những thách thức kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine, bà Rehman kiên quyết nói rằng “các nước phát triển giàu có phải làm nhiều hơn nữa”.

“Những bất công trong lịch sử phải được lắng nghe và phải có một biện pháp nào đó để gánh nặng của việc thải khí CO2 một cách vô trách nhiệm không ảnh hưởng đến các quốc gia gần xích đạo, những quốc gia rõ ràng không thể tự mình tạo ra cơ sở hạ tầng có khả năng phục hồi” - bà Rehman nói.

Ngày càng có nhiều lời kêu gọi rằng các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch, cũng là những công ty kiếm được lợi nhuận kỷ lục do chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, phải bồi hoàn những thiệt hại toàn cầu gây ra cho các nước đang phát triển. Theo bà Rehman, “những bên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thường cố gắng làm sạch lượng khí thải của họ nhưng không thể tránh khỏi thực tế rằng các tập đoàn lớn có lợi nhuận ròng lớn hơn GDP của nhiều quốc gia cũng cần phải chịu trách nhiệm”.

The Guardian cho biết sắp tới sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 27 (COP27) ở Ai Cập vào tháng 11. Nhóm những nước đang phát triển, trong đó có Pakistan, nhiều khả năng sẽ vận động thông qua các chương trình thúc đẩy những nước phát triển gây ô nhiễm phải bồi thường sau một năm hạn hán, lũ lụt, sóng nhiệt và cháy rừng tàn khốc tại nhiều khu vực.

Các nước phát triển gây ô nhiễm cho đến nay vẫn bị đánh giá là chậm chạp trong việc cam kết bồi thường để giúp các nước đang phát triển thích ứng với các cú sốc khí hậu, thậm chí còn miễn cưỡng tham gia các cuộc đàm phán có ý nghĩa về việc tài trợ cho những mất mát và thiệt hại mà các quốc gia khó khăn hơn như Pakistan. Các cuộc thảo luận về việc bồi thường hầu hết đã bị chặn lại trên các diễn đàn quốc tế, khiến các quốc gia dễ bị tổn thương như Pakistan “đối mặt với gánh nặng tiêu thụ carbon vô độ của nước khác”.•

Lãnh đạo Việt Nam gửi điện thăm hỏi Pakistan

Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam ngày 5-9 cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi điện thăm hỏi Thủ tướng Pakistan Mian Muhammad Shehbaz Sharif về tình hình mưa lũ kéo dài gây thiệt hại nghiêm trọng tại đây. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện thăm hỏi tới Tổng thống Pakistan Arif Alvi. Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng gửi điện thăm hỏi tới người đồng cấp Bilawal Bhutto Zardari.

Phát ngôn viên Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) Jens Laerke cho biết người dân Pakistan đang rất cần sự ủng hộ và tinh thần đoàn kết quốc tế. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Pakistan Ahsan Iqbal tuần trước ước tính sơ bộ thiệt hại do các trận lũ lụt gần đây ở nước này có thể lên tới hơn 10 tỉ USD và sẽ phải mất năm năm để tái thiết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới