PCI 2013: Tham nhũng vặt có xu hướng giảm

“Kết quả khảo sát PCI năm 2013 cho thấy một năm khởi sắc của chất lượng điều hành kinh tế. Trong đó có sự chuyển động tích cực trong quản lý điều hành của “những người khổng lồ” như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ”. Nhận xét về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013 (PCI) công bố sáng 20-3, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc phấn khởi nói. Tuy nhiên, PCI năm nay cũng nổi lên một điểm đáng lo ngại về tính cạnh tranh bình đẳng trong kinh doanh.

Khởi sắc của chất lượng điều hành kinh tế

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết tần suất và chi phí về tham nhũng quy mô nhỏ để bôi trơn các giao dịch với cơ quan nhà nước đang có xu hướng giảm dần. “Đây là một xu hướng tích cực nhưng cần lưu ý rằng nó chỉ giới hạn ở tham nhũng quy mô nhỏ mà doanh nghiệp (DN) gặp phải” - ông Tuấn cho hay.

Về chỉ số gia nhập thị trường, ông Tuấn cho biết hầu hết các tỉnh đều có nỗ lực cải thiện điều kiện gia nhập thị trường cho DN thông qua cải cách thủ tục đăng ký DN, giảm bớt các yêu cầu cấp phép và thiết lập cơ chế một cửa. Việc tiếp cận đất đai, tính minh bạch và dịch vụ hỗ trợ DN có cải thiện hơn so với năm trước. “Mặc dù xếp hạng các tỉnh có thay đổi nhưng xu hướng chung cho thấy có sự cải thiện tích cực chất lượng điều hành kinh tế. Cụ thể 51/63 tỉnh, thành có những cải thiện tích cực về vấn đề này so với mốc 2006. Những cải thiện trong công tác điều hành sẽ tạo ra cơ hội đẩy mạnh đầu tư và tạo sự lạc quan quan trọng trong năm tới...” - ông Tuấn phân tích.

Kết quả chỉ số PCI năm nay cũng cho thấy sự nỗ lực cải thiện của những tỉnh, thành lớn có nền kinh tế sôi động. Điển hình như TP.HCM, từ tốp khá của năm ngoái đã tăng lên ba bậc vào tốp có năng lực cạnh tranh tốt. Hà Nội cũng nhảy từ vị trí 51 gần cuối bảng lên vị trí 33 thuộc tốp khá. Hải Phòng từ vị trí 50 của năm 2012 lên vị trí thứ 15 của năm 2013. Cần Thơ cũng có nhiều cải thiện để đẩy năng lực cạnh tranh từ khá lên tốp 10 (cạnh tranh tốt).

 
Đà Nẵng đã tiến hành nhiều cải cách mạnh mẽ để trở lại vị trí số một trong PCI 2013. Trong ảnh: Cảng container Đà Nẵng ngày càng phát triển, thu hút nhiều tàu bè quốc tế cặp bến.Ảnh: CTV

Theo ông Vũ Tiến Lộc, sự chuyển động của “những người khổng lồ” này có một ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển chung của cả nước. “Một khi các nền kinh tế lớn này có sự thay đổi thì đấy cũng chính là động lực phát triển cho cả đất nước trong những năm tới” - ông Lộc đánh giá.

Môi trường cạnh tranh chưa công bằng

Một điểm mới trong kết quả xếp hạng PCI lần này là bổ sung lại chỉ số thành phần về cạnh tranh bình đẳng sau khi chỉ số này bị bỏ từ năm 2009. Giải thích về sự thay đổi này, trưởng nhóm nghiên cứu PCI, GS-TS kinh tế Edmund Malesky (ĐH Duke, Mỹ) cho biết do năm 2009, DNNN do địa phương quản lý không còn vai trò áp đảo trong môi trường kinh doanh cấp tỉnh nữa. “Lúc đó chúng tôi cho rằng có thể chấm dứt tình trạng chính quyền địa phương ưu ái DNNN vì hầu hết những DN này đã được cổ phần hóa hoặc giải thể, sáp nhập vào các tập đoàn, tổng công ty nhà nước do trung ương quản lý. Nhưng trên thực tế ưu đãi của chính quyền địa phương đối với DNNN vẫn tiếp diễn, thậm chí còn ở mức độ lớn hơn” - ông Malesky lý giải.

Về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn cho biết qua kết quả khảo sát PCI, 1/3 DN tư nhân cho rằng việc các DNNN được ưu ái trong tiếp cận đất đai, tín dụng và mua sắm công là một trở ngại lớn cho hoạt động của họ. Có thêm hai hình thức được chính quyền ưu đãi tương tự các DNNN, đó là ưu đãi dành cho các DNNN cổ phần hóa và DN thân quen với chính quyền. Ngoài ra, 32% DN tin rằng lãnh đạo tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển DN tư nhân trong tỉnh. Các DN cũng cho biết ưu đãi dành cho các công ty lớn thể hiện rõ rệt nhất ở lĩnh vực mua sắm công, kế đến là tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn và thủ tục hành chính nhanh chóng, đơn giản hơn so với các DN tư nhân nhỏ và vừa. Tình trạng cạnh tranh thiếu bình đẳng này hiện diện khắp cả nước với mức độ khác nhau.

“Vấn đề lớn nhất của Việt Nam hiện nay chính là tính minh bạch. Vấn đề này đã được nhiều tỉnh, thành cải thiện phần nào. Tuy nhiên, chỉ số về môi trường cạnh tranh bình đẳng đang là vấn đề đáng lo ngại trong môi trường kinh doanh của Việt Nam. DN ở nhiều tỉnh, thành có quan hệ chặt chẽ với lãnh đạo địa phương để được tiếp cận với các nguồn lực tốt hơn như được ký hợp đồng, thuê đất, vay vốn… nhanh chóng hơn. Vì vậy Chính phủ Việt Nam cần có chính sách nới lỏng hơn với tất cả DN chứ đừng chỉ o bế mỗi DNNN” - ông Malesky khuyến nghị.

THU HẰNG

 

Đà Nẵng dẫn đầu, TP.HCM vẫn chưa lọt vào tốp rất tốt

Bình Dương tiếp tục rớt sâu, xếp thứ 30

Từ vị trí 12 của năm 2012, Đà Nẵng đã nhảy vọt lên vị trí đầu bảng xếp hạng PCI năm 2013. Trả lời báo chí, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết sau khi bị tụt hạng xuống vị trí 12 năm 2012, Đà Nẵng đã tiến hành rà soát để xem xét những hạn chế, bất cập để tập trung cải thiện, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo. Đà Nẵng tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo, đối thoại giữa lãnh đạo TP với các DN để tháo gỡ những vướng mắc DN gặp phải. Đồng thời, Đà Nẵng cũng tiến hành khảo sát độc lập hơn 1.000 DN tại địa bàn để tìm hiểu về những rào cản, những khó khăn đối với DN, qua đó cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để có kết quả như hôm nay.

Riêng hai TP lớn là TP.HCM và Hà Nội năm nay có sự vượt trội hơn mọi năm nhưng vẫn chưa lọt vào tốp rất tốt. TP.HCM đứng vị trí thứ 10 thuộc tốp có chỉ số cạnh tranh tốt, còn Hà Nội đứng vị trí thứ 33 thuộc tốp có vị trí cạnh tranh khá trong bảng xếp hạng. Phân tích nguyên do vì sao Hà Nội vẫn còn thua xa các tỉnh, thành khác, ông Edmund Malesky cho rằng do Hà Nội đang vấp phải những vấn đề của một đô thị lớn như quá tải cơ sở hạ tầng, tiếp cận đất đai khó, mật độ đô thị hóa cao… Theo ông Malesky: “Hai lĩnh vực mà Hà Nội có thể cải thiện dễ dàng trong thời gian tới đó là minh bạch ngân sách và công khai quy hoạch sử dụng đất lên website càng sớm càng tốt”.

Điều bất ngờ của chỉ số PCI năm nay là tỉnh Bình Dương có sự giảm sút đáng kể trong bảng xếp hạng. Từ vị trí đứng đầu từ năm 2007, Bình Dương tụt hạng theo chiều hướng thấp và đến năm nay tụt xuống vị trí thứ 30 thay vì thứ 19 của năm 2012.

Đà Nẵng muốn tốt cho mình và cho dân

Chiều 20-3, nói về việc Đà Nẵng giành lại ngôi đầu PCI 2013 từ vị trí thứ 12 trong bảng xếp hạng năm 2012, ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cho biết việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh được TP thực hiện thường xuyên chứ không phải chỉ làm khi thấy thụt lùi. Đơn giản vì Đà Nẵng đang hướng tới mục tiêu trở thành một TP đáng sống, giúp người dân được hưởng lợi từ các dịch vụ công tốt nhất. “Chúng tôi không phải cạnh tranh vì hơn thua mà chúng tôi muốn làm tốt hơn cho chính mình và tốt hơn cho người dân” - ông Ngữ chia sẻ.

Theo ông Ngữ, sau khi chỉ số PCI năm 2012 bị rớt hạng, TP đã tổ chức các hội thảo, mời các chuyên gia, DN đến phân tích nguyên nhân, trên cơ sở đó khắc phục các điểm yếu của mình. Đà Nẵng đã triển khai chương trình “ba hơn” (nhanh hơn, hợp lý hơn và thân thiện hơn). Thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân, DN được rút gọn 15-30 ngày xuống còn 7-9 ngày. “Năm 2013 có tới 70 thủ tục hành chính được các sở/ngành, quận/huyện đăng ký giải quyết nhanh hơn, trong đó có 37 thủ tục liên quan đến DN.

“Kết quả số một là bắt nguồn từ những chấn chỉnh rốt ráo các cơ quan, đơn vị có liên quan tới các vấn đề như đất đai, thủ tục đăng ký DN, giải tỏa đền bù… bị người dân chê nhiêu khê, phiền hà, vòi vĩnh” - ông Ngữ cho hay. Đặc biệt TP Đà Nẵng đã tiến hành khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công. “Qua khảo sát này có tới 95% người dân hài lòng với các dịch vụ công và thái độ phục vụ của công chức. Tuy nhiên, số 5% còn lại chưa hài lòng vẫn là con số không nhỏ mà TP phải khắc phục” - ông Ngữ nói.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm