PCI vùng ĐBSCL đứng đầu trong 6 vùng kinh tế cả nước

Chiều 17-4, Hội nghị môi trường đầu tư kinh doanh qua kết quả PCI (chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp tỉnh) năm 2018 khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được tổ chức tại Bến Tre.

Đứng đầu PCI 6 vùng kinh tế cả nước

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, kết quả PCI 2018, ĐBSCL tiếp tục là vùng được đánh giá cao nhất trong 6 vùng kinh tế của cả nước. Nổi bật ĐBSCL có 3 tỉnh nằm trong top 5 đứng đầu, 4 tỉnh trong top 10; trong 10 chỉ số thành phần đo lường thì vùng chúng ta có 5 tỉnh có điểm số đứng đầu, rất nhiều tỉnh ĐBSCL đều đứng ở top đầu trong nhiều chỉ tiêu đo lường của từng chỉ số.

Lãnh đạo các tỉnh chia sẻ những kinh nghiệm hay đồng hành tháo gỡ khó khăn cùng DN.

Ông Lam cũng cho biết, thay đổi ấn tượng của ĐBSCL trong năm qua rõ nhất là tiếp cận đất đai tiếp tục duy trì và được đánh giá cao. Chi phí không chính thức là chỉ số nổi bật khi có 5 tỉnh đứng đầu cả nước, 7 tỉnh trong top 10 và 11 tỉnh ở top 20. Cạnh tranh bình đẳng như là một đặc trưng riêng của vùng 10/top 20 tỉnh đứng đầu, doanh nghiệp ở ĐBSCL cảm nhận dường như không thấy có sự phân biệt trong điều hành kinh tế ưu ái cho DNNN hay DN FDI với DNTN trong nước…

ĐBSCL có nhiều cách làm mới như cafe doanh nhân ở Đồng Tháp, tiếp doanh nghiệp trong ngày đầu tuần ở Cần Thơ, đối thoại doanh nghiệp thường kỳ nhất tại Sóc Trăng... Thậm chí tỉnh An Giang đang có kế hoạch cafe doanh nhân ở cấp huyện. Với kết quả trên, chính quyền các tỉnh ĐBSCL đang nỗ lực vì môi trường kinh doanh tốt hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, ông Lam cũng lưu ý những điểm mạnh vốn có của ĐBSCL nay đã giảm. Đó là chi phí gia nhập thị trường không còn nhiều tỉnh đứng đầu, tính minh bạch ngày càng vắng tên tuổi. Thiết chế pháp lý vốn là thế mạnh nay chỉ còn có Bến Tre và Đồng Tháp nằm trong top 10. Đây là những chỉ số mà trước đây vốn rất nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ dẫn đầu thì nay các địa phương khác trên cả nước đã cải thiện nhanh hơn.

Quang cảnh hội nghị.

Ngoài ra, ĐBSCL lại phát sinh thêm những hạn chế khác như: tỷ lệ mất cắp tài sản của DN khá cao. Vùng ĐBSCL có 17 triệu dân (chiếm gần 20% dân số) nhưng số DN hoạt động hiện chỉ chiếm 8% số DN cả nước, tổng vốn FDI ĐBSCL hiện đang ở mức 21,5 tỉ USD, chỉ hơn được vùng Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Thu hút FDI trong năm 2018 chưa bằng 1 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (1,5 tỉ USD so với 1,8 tỉ USD). Mặt khác, ĐBSCL là vùng kinh tế và nông nghiệp lớn nhất cả nước, nhưng xuất khẩu chưa bằng 1 tỉnh Đồng Nai…

ĐBSCL là điển hình của chính quyền năng động

Hội nghị còn trao đổi những vấn đề làm sao phát triển DN, kiến tạo môi trường kinh doanh một cách tốt nhất. Cùng với đó, Hội nghị còn được chính quyền địa phương các tỉnh chia sẻ những kinh nghiệm hay trong thực tiễn. 

Ông Cao Văn Trọng – Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, chính quyền tỉnh này luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. PCI năm 2017 tăng 7 hạng lên thứ 5 so với 2016 và 2018 tiếp tục tăng hạng lên vị trí thứ 4. Để tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nhà đầu tư, mỗi năm Bến Tre tổ chức 4 diễn đàn đổi thoại doanh nghiệp. Định kỳ hàng tháng, tỉnh đều tổ chức “Cafe doanh nghiệp”, “Bàn tròn khởi nghiệp” … Qua đó, hầu hết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được tháo gỡ, xử lý nhanh.

Bà Phạm Ngọc Đào - Phó Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Đồng Tháp.

Bà Phạm Ngọc Đào – Phó Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, ở Đồng Tháp nhiều năm qua, chính quyền tỉnh này luôn xem DN là nhà tư vấn chứ không phải DN đến gặp tỉnh để giải quyết khó khăn. “Bởi chúng tôi xác định một DN đến chia sẻ khó khăn thì đó không phải là một khó khăn của DN mà đó là khó khăn của nhiều DN khác cũng đang gặp phải. Lãnh đạo tỉnh công khai số điện thoại, email để người dân và DN phản ánh trực tiếp đó cũng là giải pháp hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cùng DN"- Bà Đào, nói.

Nói về kinh nghiệm tại tỉnh An Giang, ông Nguyễn Trọng Thành –  Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh An Giang nói, trước đây đất đai rất khó khăn. Ông Thành nêu hàng loạt khó khăn như: Đất đai manh mún, nhỏ lẻ trong khi dân số đông nên nếu tập trung tích tụ đất đai phát triển công nghiệp công nghệ cao thì rất khó; nguồn ngân sách không được dồi dào, các khu công nghiệp muốn lấp đầy, mở rộng và kêu gọi đầu tư rất khó bởi hầu như địa phương đều xa các đô thị lớn. Do dân số đông vì vậy giá đất đô thị cao, doanh nghiệp tiếp cận chi phí lớn nên DN còn e ngại.

Vì vậy thời gian qua An Giang xây dựng nhiều giải pháp tháo gỡ đó là thành lập nhóm hỗ trợ DN tiếp cận đất đai; Xây dựng kế hoạch tạo quỹ đất cho giai từng giai đoạn để kêu gọi đầu tư. Đặc biệt là nguồn vốn phải đa dạng hóa chứ không sử dụng ngân sách nhiều; hiện tỉnh này đã xây dựng đề án chuyển nhượng hoặc thuê lại đất nông nghiệp không hiệu quả của nông dân rồi cho doanh nghiệp thuê lại… Chính quyền cam kết với DN mọi khó khăn phải giải quyết nhanh chóng, dứt điểm tại cuộc họp ngay…

Để tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết thêm, thời gian tới VCCI Cần Thơ cũng sẽ tham gia xây dựng bộ chỉ số đánh giá cấp huyện thị, sở ngành tại một sổ địa phương. Cạnh đó là tiếp tục thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và đào tạo doanh nhân, tham vấn chính sách để giải quyết khó khăn cho cộng đồng DN, tập trung nhiều hơn trong hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư.

Đặc biệt VCCI Cần Thơ sẽ tiến hành thực hiện Báo cáo kinh tế ĐBSCL thường niên kể từ 2019 để đánh giá sự chuyển biến và những vấn đề nổi cộm nhất về KTXH của vùng qua các năm, làm tư liệu quan trọng trong kiến nghị về chính sách đối với Quốc hội và Chính phủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm