Bộ GTVT cho biết để kết nối mạng lưới giao thông giữa TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL, đơn vị đang triển khai xây dựng hai đề án.
Theo đó, đề án kết nối mạng giao thông khu vực Đông Nam Bộ và đề án kết nối mạng giao thông các tỉnh ĐBSCL. Trong đó, sẽ rà soát đánh giá và đề xuất các dự án cụ thể nhằm tăng cường khả năng kết nối trên.
Theo kế hoạch, dự án Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ khai thác vào năm sau.
Cụ thể, thời gian tới về đường bộ sẽ hoàn thành xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ. Trong đó, đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận đưa vào khai thác năm 2020, đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ hoàn thành năm 2022.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các dự án nâng cấp, mở rộng QL60 trên địa bàn Trà Vinh (Sóc Trăng). Đồng thời, bố trí ngân sách nhà nước để đầu tư cầu Rạch Miễu 2 và sử dụng nguồn vốn vay đầu tư cầu Đại Ngãi.
Ngoài ra, tiếp tục đầu tư hoàn thiện các đoạn tuyến Quốc lộ N2, như Chơn Thành – Đức Hòa, Đức Hòa – Mỹ An, Mỹ An – Cao Lãnh đạt quy mô 4 làn xe phù hợp với quy mô đoạn Cao Lãnh – Rạch Sỏi đã đầu tư, đảm bảo khai thác đồng bộ và phát huy hiệu quả các dự án đã đầu tư.
Với các dự án trên, Bộ GTVT sẽ bổ sung quy hoạch tuyến quốc lộ 14C, với chiều dài 238 km kết nối từ thị xã Đông Xoài đến Tây Ninh, Bình Phước, Long An. Điều chỉnh quy hoạch nối thẳng hướng tuyến đường Hồ Chí Minh (đường N2) từ nút giao với ĐT 821 đến cách quốc lộ 62 khoảng 6 km chiều dài 36,5 km, với bốn làn xe. Bổ sung kết nối từ tuyến N1 vào đường vành đai 4 (TP.HCM) tại Hậu Nghĩa, chiều dài 27,3 km; tuyến trục động lực kết nối TP.HCM – Long An – Tiền Giang, chiều dài 31,6 km, với sáu làn xe.
Bổ sung kết nối TP.HCM theo trục chính đô thị số 06 (Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Tạo), nối với đường Long Hậu qua sông Vàm Cỏ đi về phía quốc lộ 50, với 4-6 làn xe.
Hệ thống trục ngang, bổ sung cao tốc Trung Lương – Bến Tre, Hồng Ngự (cửa khẩu Dinh Bà) – Trà Vinh. Đối với hệ thống vành đai TP.HCM, theo kế hoạch của thành phố phải hoàn thành vành đai 2 trước năm 2023, vành đai 3 trước 2025 và vành đai 4 trước năm 2030. Trong đó, kết nối với sân bay Long Thành hoàn thành trước 2025.
Về hệ thống đường thủy nội địa, đầu tư xây dựng kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2), đồng thời bố trí nguồn vốn xử lý các nút thắt trên các tuyến cầu Chợ Lách hai, cầu Nàng Hai. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (giai đoạn hai, kênh Quan Chánh Bố). Đặc biệt, nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng biển có khả năng tiếp nhận tàu biển cỡ lớn như ở khu vực Trần Đề (Sóc Trăng).
Đối với hàng không, triển khai đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành để từng bước phân bổ lại hợp lý lượng hành khách thông qua sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang quá tải.
“Về đường sắt, ngoài nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến TP.HCM – Cần Thơ dài 174 km, bổ sung quy hoạch đường sắt đô thị 3A (Bến Thành – Tân Kiên) kết nối với TP Tân An (Long An)…”, Bộ GTVT thông tin.
Xin được đầu tư cao tốc TP Hồ Chí Minh – Mộc Bài Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ GTVT, ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, đề xuất ưu tiên dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh). Theo ông Thắng, tuyến đường từ Tây Ninh – TP.HCM đã hình thành cách đây 50 năm, hiện đang bị ách tắc. Nếu nếu di chuyển từ TP.HCM đi Tây Ninh vào giờ cao điểm có khi phải mất 3-4 tiếng đồng hồ. Vì vậy tỉnh Tây Ninh rất mong tuyến đường này sớm hoàn thành để rút ngắn thời gian đi lại, vận chuyển thuận tiện các mặt hàng nông sản của địa phương đến TP.HCM để tiêu thụ. Đặc biệt Mộc Bài là cửa ngõ quốc tế của các nước ASEAN, có vai trò quan trọng kết nối TP.HCM - Phnom Penh (Campuchia) - Bangkok (Thái Lan). “Qua đây, chúng tôi cũng kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng giao cho TP.HCM và tỉnh Tây Ninh là cơ quan đại diện nhà nước có thẩm quyền đầu tư dự án này. Chúng tôi sẽ bỏ một phần ngân sách và kêu gọi các nhà đầu tư để dự án sớm được triển khai”, ông Thắng kiến nghị. |