Trao đổi vớiPháp Luật TP.HCMbên hành lang Quốc hội chiều 21-10, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khẳng định: “Nếu giờ không ăn nước mắm thì ăn gì? Tôi khẳng định tôi chả sợ gì cả, tôi vẫn ăn nước mắm truyền thống như thường. Thạch tín ư! Không đâu!”.
Bà Phạm Khánh Phong Lan: "Thạch tín ư? Không đâu!". Ảnh: CHÂN LUẬN
Bà Lan cho hay bà vẫn ủng hộ nước mắm truyền thống hơn là nước mắm công nghiệp. Thừa nhận nước mắm công nghiệp có nhiều lợi thế về thời gian sản xuất, chi phí và cách tiếp cận với người tiêu dùng bằng giá rẻ nhưng bà nói: nước mắm truyền thống cũng cần đảm bảo đúng quy trình truyền thống của ông bà ta và phải có câu chuyện kiểm soát của cơ quan quản lý. “Mọi kết luận, nhất là khi chúng ta sử dụng phương tiện hiện đại để xét nghiệm một sản phẩm truyền thống như nước mắm thì không thể áp dụng các quy chuẩn một cách khập khiễng”.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng đề nghị Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm phải có động thái quyết liệt, nhanh hơn để có câu trả lời chính thức về nước mắm cho người dân an tâm, biết sản phẩm nào an toàn.
Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cũng nói: “Bản thân tôi rất hoang mang khi nghe công bố kết quả nước mắm có asen”. Bà Thuận nhận định nước mắm gia đình nào cũng sử dụng, nên việc công bố hàm lượng asen trong nước mắm một cách không chính xác sẽ gây hoang mang cho người dân.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Phan Thị Bình Thuận đề nghị làm rõ dụng ý của việc công bố nước mắm có asen vừa qua. Ảnh: CHÂN LUẬN
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM đề nghị cần làm rõ nguyên nhân và “dụng ý” đằng sau việc công bố này. Đồng thời, cần phải quản lý chặt chẽ hơn việc kinh doanh nước mắm để người dân yên tâm.