Đây là giải pháp được Bộ Công thương đưa ra tại Hội thảo Tác hại của việc lạm dụng rượu bia, xử trí và điều trị ngộ độc rượu có methalnol do Bộ Y tế tổ chức ngày 10-4.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, trước đây Việt Nam đã từng áp dụng phương pháp này nhưng sau đó lại bỏ. Việc áp dụng lại phương pháp sử dụng màu để đánh dấu cồn công nghiệp là hoàn toàn khả thi.
"Bằng mắt thường không thể phân biệt được đâu là cồn công nghiệp, đâu là cồn thực phẩm. Do đó đề xuất đánh dấu cồn công nghiệp bằng màu là phù hợp. Chất tạo màu được đề xuất là Xanh methylen, một loại thuốc giải độc, sát khuẩn nhẹ-sẽ hạn chế được tình trạng pha cồn công nghiệp thành rượu để bán. Người mua cũng sẽ dễ dàng nhận biết được rượu có pha cồn công nghiệp hay không", ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công thương nói thêm.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tình trạng pha chế methanol thành rượu bán cho người tiêu dùng (vì mục đích lợi nhuận) hoặc người tiêu dùng tự ý mua cồn y tế về để pha thêm nước thành rượu sử dụng diễn ra khá nghiêm trọng, đặc biệt là trong 3 tháng đầu năm 2017. Việc này dẫn đến những vụ ngộ độc methanol nguy hiểm, gây tử vong và để lại di chứng nặng nề.
Theo ông Tiến, mỗi năm có hàng ngàn cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất hàng trăm triệu lít rượu, trong đó rượu tự nấu chiếm tới 70%. “Để tránh ngộ độc rượu không thể cấm rượu vì rõ ràng là không khả thi. Vậy phải có người chịu trách nhiệm khi sự việc xảy ra, không thể để tình trạng như bây giờ, trách nhiệm chẳng thuộc về ai, chất lượng rượu tràn lan khó lòng quản lý”, ông Tiến nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, trong khi đại diện Bộ Công thương cho rằng khó lòng kiểm soát được rượu tự nấu và đề xuất nên quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương, thì một đại biểu thẳng thắn: “Số lượng rượu thủ công và rượu công nghiệp sản xuất mỗi năm là tương đương nhau, vậy Bộ Công thương không thể nói không kiểm soát được rượu tự nấu. Tôi cho rằng, để kiểm soát, hạn chế rượu tự nấu thì cơ quan chức năng phải khó dễ trong việc cấp giấy phép hoạt động".
Về vấn đề cấp phép, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia –rượu – nước giải khát VN đưa ra ví dụ: Tại Ninh Bình hiện nay có khoảng hơn 2.000 cơ sở nấu rượu, nhưng địa phương này mới chỉ cấp phép cho 6 cơ sở. Theo ông Việt, dù cơ quan chức năng đưa ra chính sách tốt nhưng quản lý chính sách chưa tốt nên dẫn đến tình trạng này.
Ông Việt kiến nghị, nên tập trung kiểm tra, kiểm soát trên tất cả các phương tiện bán hàng, nếu sản phẩm nào không nhãn mác, không có nguồn gốc xuất xứ thì không được bày bán. Đồng tình với kiến nghị trên, ông Tiến cũng cho rằng cần có chế tài xử phạt nặng hơn đối với những cá nhân, cơ sở có hành vi pha methanol vào rượu, phải xử lý hình sự mới đủ sức răn đe.