Bệnh nhân này nhập viện ngày 6-4, đến ngày 9-4 xét nghiệm methanol trong máu đã âm tính nhưng bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, tổn thương não nặng nề, nguy cơ di chứng và tử vong rất cao.
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, bệnh nhân là BHP (SN 1965) ở Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội. Đêm 6-4, bệnh nhân được gia đình đưa vào cấp cứu tại BV Giao thông vận tải khi có các triệu chứng hôn mê, nhịp thở không đều, toàn thân tím tái… Bệnh nhân nhập viện sau 24 giờ uống rượu ở một địa chỉ gần nhà và ở khu vực Đê La Thành. Xác nhận thấy nồng độ methanol trong máu bệnh nhân lên đến 45,9 mg/dl, BV Giao thông vận tải đã chuyển bệnh nhân lên Trung tâm Chống độc điều trị bằng tất cả liệu pháp tích cực.
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên: Từ tháng 1-2017 đến nay, đây là bệnh nhân thứ 34 trung tâm phải cấp cứu do ngộ độc methanol (kể cả một bệnh nhân đang điều trị tích cực bên BV Bệnh nhiệt đới Trung ương được nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng cũng được xác định ngộ độc methanol, có nồng độ methanol cao trên 25 mg/dl).
Trong đó, có chín bệnh nhân tử vong tại viện hoặc nặng gia đình xin về, nhiều bệnh nhân di chứng do tổn thương mắt, não nặng nề dù đã được lọc máu thải độc tích cực, tốn kém kinh phí không nhỏ. Song những nỗ lực của bệnh viện không thể giải quyết được vấn đề.
BS Nguyên cho biết người dân không thể phân biệt được rượu có methanol và không có methanol; các dấu hiệu ngộ độc lại rất muộn, thường phải sau 24 giờ. Ngoài ra bệnh nhân đến viện còn chậm hơn khoảng thời gian đó, thế nên việc cấp cứu cho bệnh nhân chậm hơn việc tác hại do methanol đã gây ra cho họ.
BS Nguyên khuyến cáo không uống rượu không có nguồn gốc; mỗi người nên chủ động không tiếp nhận rượu bia vào cơ thể, tránh rơi vào tình trạng say rượu, ngộ độc rượu để đảm bảo an toàn sức khỏe của chính mình...
Bệnh nhân mới nhập viện do ngộ độc methanol đang được chăm sóc tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai.