Hỏi sao không tìm việc khác thì anh ta cho biết DN này trả lương cao, đảm bảo cuộc sống gia đình, còn công việc thì cố làm cho xong để không ai nói mình.
Đa số DN Việt Nam hiện nay khả năng cạnh tranh yếu kém so với DN nước ngoài đều đưa ra nguyên nhân công nghệ thấp, sản phẩm chất lượng mẫu mã còn chưa tốt, nguồn tài chính không đủ để đầu tư... Đúng là có những nguyên nhân đó nhưng ngọn nguồn vẫn chính là do nội tại trong mỗi DN. Tại sao ở nhiều DN nước ngoài, nhân viên có thể làm mười mấy tiếng đồng hồ mỗi ngày mà họ vẫn tràn đầy năng lượng, trong khi ở DN nước ta làm tám tiếng mà ai cũng uể oải, mệt nhọc. Lý do không phải ở thu nhập mà chính là môi trường làm việc dẫn đến “thiếu lửa” trong đội ngũ nhân viên.
Hiện nay trong các DN chủ yếu là lao động trẻ, khi tiến hành một cuộc khảo sát thì số lượng lớn chọn giải pháp công việc an toàn, rất ít bạn trẻ chọn dấn thân trong công việc. Từ đây người lao động thiếu tính sáng tạo nên DN cũng không thể tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn, đa dạng hơn. Nhân lực yếu thì rốt cuộc DN sẽ yếu và giậm chân tại chỗ.
Theo ông Trung, dù chậm hơn thế giới nhưng người lao động Việt Nam đã bắt đầu hướng đến sự tự do trong công việc. DN đề ra chiến lược kinh doanh này, phát triển nọ nhưng DN sẽ làm gì nếu nhân viên của mình không yêu DN, không say mê công việc để sáng tạo và cống hiến? Có những DN Việt đã bắt đầu cởi mở cho nhân viên ăn mặc tự do miễn là không mất “mỹ quan” ảnh hưởng đến đồng nghiệp. Thậm chí có DN xây dựng những không gian nghỉ ngơi, tặng thưởng những dịch vụ sức khỏe, du lịch cho nhân viên của mình. Đó thực sự là chiến lược đúng đắn và bền vững cho sự phát triển của mỗi DN.
QUANG HUY