Một nội dung không thể thiếu là nhắc nhở lãnh đạo các nơi không kéo về Hà Nội để chúc Tết, biếu xén quà Tết lãnh đạo dịp cuối năm.
Mặc dù năm nào cũng nhắc nhưng đến nay đâu đó việc quà mừng năm mới (thường là phong bì) vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, dù có kín kẽ và tinh vi hơn.
Đối với một số cơ quan, doanh nghiệp, cuối năm có món quà tặng cho đối tác, các cấp quản lý là cách thể hiện lòng cảm kích sự hợp tác và thiện chí giữ mối quan hệ, thuận lợi cho công việc trong thời gian tới. Tuy nhiên, bên cạnh những món quà vô tư lại có không ít món quà ngụ ý. Quà càng nặng thì ngụ ý càng nhiều, có khi giá trị lên đến vài trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỉ…, mục đích là gì thì ai cũng hiểu. Đáng lo là nhiều cán bộ, lãnh đạo coi việc nhận quà là bình thường, chỉ là nhận sao cho khéo, cho kín mà thôi.
Thiết nghĩ cần có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn, để khi những món quà bất thường bị phát hiện thì phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, liều thuốc hữu hiệu hơn vẫn hoàn toàn nằm ở hai chữ “tự giác”. Cá nhân lãnh đạo, cấp trên phải thực sự giữ mình, kiên quyết nói không với tặng quà. Bởi một khi đã nhận quà, làm sao có thể đảm bảo công minh, sáng suốt khi đưa ra những quyết định có liên quan đến người tặng? Thực tế vừa qua đã thấy nhiều cá nhân vì “tình riêng”, lợi dụng quyền hạn của mình để tạo lợi thế không minh bạch cho một số người thân quen và họ đã phải trả giá bằng cả sự nghiệp của bản thân, sự bình yên của gia đình.