XE QUÁ TẢI: PHẢI XỬ LÝ TỪ GỐC - BÀI 2

Phải bốc hàng đúng tải ngay từ cảng

“Việc xử lý xe quá tải không chỉ người dân mà hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều đồng tình. Xe chở đúng tải sẽ góp phần bảo vệ hạ tầng giao thông, kéo giảm tai nạn. Hiệp hội vận tải các địa phương đề nghị phải làm liên tục và đảm bảo sự công bằng, giữ được môi trường kinh doanh lành mạnh...” - Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nói.

Sẽ kiểm tra các cảng phía Nam

. Việc sử dụng cân lưu động là phát súng đầu tiên để xử lý xe quá tải. Nhưng kiểm soát tải trọng ngay từ nơi xuất phát mới là căn cơ, thưa ông?

+ Nhà báo đặt vấn đề kiểm tra tại cảng là đúng, chúng tôi tiếp thu. Kiểm tra ngoài đường cũng là một cách làm, một giải pháp. Còn cân tải trọng ở điểm xuất phát, Bộ GTVT cũng có văn bản chỉ đạo cho tất cả hệ thống cảng biển, những đơn vị trực thuộc Bộ GTVT phải làm gương. Cảng phải kiểm soát tải trọng và xếp dỡ hàng hóa theo đúng quy định và thông tư của Bộ GTVT đã ban hành. Thời gian qua, chúng tôi đi kiểm tra thấy nhiều cảng làm rất tốt, họ đã kiểm soát tải trọng ngay tại cảng. Ở Hải Phòng, Vũng Áng (Hà Tĩnh), hàng xếp lên xe rất đúng. Tới cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), cảng Hoài Nhơn (Bình Định), những nơi ấy đều chuyển động tốt.

Trước hết cảng phải chịu trách nhiệm chứ để khi các cơ quan chức năng đi kiểm tra ở các cảng, nhà máy… thì lại là vấn đề khác. Các cá nhân, tổ chức phải thực hiện chứ làm sao đủ người đi kiểm tra đôn đốc từng nơi. Bộ GTVT đã có văn bản gửi đến các cảng, các tổng công ty, các nhà máy xi măng, sắt thép, chủ đầu tư các dự án lớn, nhất là dự án của bộ yêu cầu các chủ phương tiện chở đúng tải trọng và nhiều nơi thực hiện khá tốt.

. Nhưng tại nhiều cảng phía Nam, cụ thể là Bến Nghé (TP.HCM, lãnh đạo cảng cho rằng chức năng cảng chỉ bốc xếp, khách hàng yêu cầu bốc bao nhiêu thì bốc lên xe bấy nhiêu chứ không kiểm soát được tải trọng trên xe và cũng không buộc được chủ xe phải chở đúng tải ra khỏi cảng?

+ Tôi yêu cầu Cục Hàng hải kiểm tra và chỉ đạo các cảng phía Nam ngay. Cảng phải xếp dỡ hàng hóa theo quy định tải trọng, đó là trách nhiệm của cảng. Quy định xếp dỡ hàng hóa của Bộ GTVT về hàng rời, xi măng, linh kiện, container… đều có cả. Vấn đề là thực hiện nghiêm mà thôi.

Nếu kiểm tra tải trọng từ nơi xuất phát thì sẽ giảm nhiều xe quá tải lưu thông trên đường.

 
Cảng không bốc hàng quá tải lên xe như thế này.

. Ở một số cảng ở TP.HCM, nhiều xe chất gấp 300% tải trọng cho phép, phủ bạt nằm chờ trong cảng chờ đợi thời điểm để né trạm cân. Có nhiều ý kiến cho rằng trách nhiệm của cảng không nhỏ trong việc để xe quá tải lưu thông trên đường?

+ Tôi đồng tình với quan điểm trên. Tôi đang suy nghĩ và đang tham mưu cho Chính phủ để tiếp tục chỉ đạo xử lý xe quá tải. Để giải quyết căn cơ thì không chỉ có công an và thanh tra giao thông mà tất cả các hệ thống liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải phải vào cuộc.

Tôi đang tính theo Luật Giao thông đường bộ, đường quốc lộ thì Tổng cục Đường bộ quản lý, đường tỉnh do Sở GTVT quản lý, đường huyện, đường xã thì chính quyền địa phương quản lý cùng vào cuộc xử lý xe quá tải thì không có xe quá tải nào chạy được.

Doanh nghiệp phải cộng đồng trách nhiệm

. Quan điểm của giới vận tải ủng hộ việc xử lý xe cố tình chất hàng quá tải. Tuy nhiên, với xe chở container nguyên seal, thiết bị, máy móc nguyên đai nguyên kiện không thể tháo rời thì cũng phải tạo điều kiện cấp giấy phép lưu hành đặc biệt phù hợp để giúp cho doanh nghiệp hoạt động, thưa ông?

+ Tất cả đều có giải pháp để giải quyết. Điều gì mà cơ quan nhà nước đang thiếu thì phải sửa, bổ sung. Vừa rồi tôi mới ký văn bản để thống nhất cân tải trọng toàn xe và hướng dẫn cách tính cho phù hợp. Loại xe sơmi rơmoóc, công sức đầu kéo thì rơmoóc đằng sau càng nhiều trục thì càng nhiều tải trọng càng cao. Theo quy định hiện hành, xe sơmi rơmoóc sáu trục tổng trọng lượng tối đa 48 tấn.Ví dụ nếu như một lượng hàng 30 tấn mà kéo rơmoóc hai trục thì quá tải, nếu có rơmoóc năm trục thì không quá tải sao không đưa vào để kéo. Có doanh nghiệp vận tải cố tình làm không đúng rồi kiến nghị là không được.

. Có ý kiến quan ngại có những doanh nghiệp vận tải có những “quan hệ” với cơ quan chức năng rồi chở quá tải, rồi dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp chở đúng tải lại gặp khó,thưa ông?

+ Một lúc làm sao giải quyết hết điều đó. Chính vì điều đó mà không chỉ cơ quan chức năng mà báo chí cũng vào cuộc. Tôi tin rằng cái không tốt dần sẽ triệt tiêu.

. Xin cảm ơn ông.

TRUNG DUNG

Không thể thả nổi xe quá tải

Việc xử lý xe quá tải là chủ trương của Nhà nước. Không có nước nào thả nổi việc xe chạy quá tải được. Bộ GTVT cũng nghiêm túc điểm kiểm là để buông lỏng một thời gian. Đến bây giờ siết quá tải thì sẽ có nhiều bức xúc, mâu thuẫn. Như vậy thì sẽ cùng nhau tập trung gỡ.

Xe chở quá tải tác động lớn đến xã hội. Giảm quá tải thì công trình kết cấu hạ tầng được bảo vệ, tai nạn giao thông giảm đi. So với bốn tháng cùng kỳ năm ngoái, tai nạn liên quan đến ô tô giảm 160 người chết, gần 1.000 người bị thương. Việc chở đúng tải sẽ tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh và sẽ kéo giảm tiêu cực. Bởi vì khi tài xế chở đúng tải, đúng khổ thì chẳng ai phạt làm gì mà muốn phạt thì cũng chẳng có lý do nào phạt. Vừa rồi, tôi đi vi hành, trao đổi với các xe chở đúng tải thì tài xế rất phấn khởi vì chẳng ai xử phạt.

Thứ trưởng Bộ GTVT LÊ ĐÌNH THỌ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm