Thời gian qua, Bộ GTVT và Bộ Công an chỉ đạo các sở GTVT phối hợp công an các địa phương sử dụng cân lưu động để kiểm tra tải trọng xe để xử lý xe chở hàng quá tải. Có 52/63 tỉnh, thành thực hiện kiểm tra tải trọng xe để xử lý xe quá tải. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng trạm cân trên đường mới chỉ làm phần ngọn, cái gốc là phải xử lý ở các cảng, khu công nghiệp... nơi xuất phát của các đoàn xe quá tải.
Xe và hàng 100 tấn thoải mái rời cảng
Những ngày qua các phương tiện chở hàng quá tải xếp thành đoàn, ùn ứ dọc đường để tránh kiểm soát và chờ giờ nghỉ để vượt trạm cân ở quốc lộ 1A ở Bình Thuận, Đồng Nai. Ở các cảng, nhân viên cảng vẫn hối hả bốc hàng lên xe mà không quan tâm đến tải trọng xe.
Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi đến cảng Sài Gòn (quận 4), hàng chục xe chở phân bón của doanh nghiệp VQ đang được nhân viên cảng bốc hàng lên xe. Chiếc xe thùng ba trục tải trọng tối đa 11 tấn, phân bón chất ngang với bửng xe là đúng tải. Thế nhưng các xe chất hàng cao ngất, hàng hóa chất từ 35 đến 40 tấn, gấp ba lần tải trọng cho phép. Ở cảng Bến Nghé, chúng tôi thấy nhiều xe của doanh nghiệp ĐV chất thép tấm quá tải vài chục tấn so với tải trọng cho phép đang nằm trong cảng, chờ đợi thời điểm thích hợp là rời khỏi cảng.
Theo quan sát, chúng tôi thấy ở cảng Bến Nghé nhiều trạm cân 80 tấn, thậm chí có trạm cân lên đến 100 tấn, xe nào chở sắt thép khả năng chở được bao nhiêu là cảng bốc hàng lên bấy nhiêu. Cả xe và hàng hóa trên 100 tấn rời cảng là chuyện hàng... giờ!
Ông Nguyễn Văn Vàng, Giám đốc Công ty Vận tải Yến Thanh, phân tích: Với lỗi quá tải gấp 300% tải trọng xe thì mức phạt hết khung và tài xế bị tước bằng lái 60-90 ngày thì không có doanh nghiệp nào chịu nổi. Trong lúc cao điểm xử lý xe quá tải nhưng do trạm cân không đặt trước cổng cảng nên tài xế chọn đường khác để né trạm hoặc phải có cách riêng mới không bị xử lý!
Xe ba trục chở tối đa 11 tấn hàng nhưng nhân viên cảng Sài Gòn bốc hơn 35 tấn phân bón, quá tải gấp 300%.
Xe bốc hàng xong phủ bạt, nằm chờ ở cảng Sài Gòn chờ giờ G xuất phát.
Xe chở thép tấm quá tải vài chục tấn đang nằm chờ ở cảng Bến Nghé.
Trách nhiệm của kho cảng và chủ hàng
Theo ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, hầu hết doanh nghiệp vận tải ủng hộ cơ quan chức năng xử lý việc quá tải. Nhưng việc sử dụng các trạm cân tải trọng lưu động chỉ giải quyết phần ngọn chứ không phải từ gốc. Nếu làm từ gốc thì sẽ không có tình trạng phương tiện xếp thành từng đoàn, ùn ứ ở dọc đường để tránh sự kiểm soát và chờ để vượt trạm cân.
Theo ông Trung, để giải quyết vấn đề quá tải từ gốc là không phải chỉ xử lý tài xế, chủ xe mà phải làm rõ trách nhiệm của cảng, khu công nghiệp và chủ hàng.
Xe phân bón chở đúng tải qua trạm cân đường Nguyễn Văn Linh.
Trạm cân 100 tấn ở cảng Bến Nghé.
Trong thời gian qua báo chí phản ánh chiếc xe đầu kéo biển số 51C-178.99 kéo theo rơmoóc biển số 51R-057.97 chở một thiết bị điện “khủng” đi hướng Bình Thuận - TP.HCM. Cơ quan chức năng xử phạt chủ xe và tước bằng lái tài xế. Chủ xe và tài xế chở quá tải, họ bị xử phạt là đúng nhưng còn trách nhiệm của kho cảng, chủ hàng thế nào? Ông Trung cho rằng: Trong trường hợp này, nếu kho cảng không bốc hàng lên thì làm sao xe chở được. Tổng trọng tải cả xe và hàng chỉ có 40 tấn nhưng xe chở đến 60-70 tấn, chủ hàng có chấp nhận không hay chỉ ép chủ xe chở quá tải cước vận tải càng giảm để lợi nhuận chủ hàng càng cao? Khi phát hiện việc quá tải, không chỉ xử phạt chủ doanh nghiệp vận tải mà phải xử luôn chủ hàng và bến bãi, cảng… nơi phương tiện đó xuất phát phạt thật nghiêm và đưa lên các phương tiện truyền thông thì việc chở quá tải sẽ giảm.
Đồng quan điểm, ông Đoàn Kim Thắng, Giám đốc Công ty Vận tải Lê Thanh, đặt vấn đề: Lâu nay việc xử lý xe quá tải trên đường, cơ quan chức năng chỉ phạt chủ xe và tước bằng lái của tài xế chứ chưa bao giờ đề cập đến trách nhiệm của cảng và chủ hàng. Để giải quyết vấn đề xe chở quá tải bằng cách kiểm tra tải trọng lưu động là không hiệu quả. “Theo tôi, để giải quyết xe chở quá tải một cách căn cơ là phải xem xét trách nhiệm của chuỗi vận tải. Đó là kho cảng, chủ hàng, chủ xe, tài xế và cán bộ thực thi pháp luật!” - ông Thắng bày tỏ.
Chở quá tải là chuyện của chủ xe! PV có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Thảo, Giám đốc cảng Bến Nghé, về việc cảng bốc hàng vượt quá tải trọng lên xe. . Việc sử dụng cân lưu động để kiểm tra, xử lý xe quá tải được dư luận đồng tình. Thế nhưng ở cảng Bến Nghé nhiều xe chở sắt thép chở quá tải gấp nhiều lần tải trọng cho phép thì lãnh đạo cảng không có giải pháp gì để đồng hành với cơ quan chức năng? + Ở cảng Bến Nghé chưa nhận được văn bản của cơ quan chức năng về hạn chế tải trọng. Đáng lẽ tuần rồi Sở GTVT TP.HCM tổ chức để triển khai văn bản đó và có mời cảng Bến Nghé nhưng sau đó lãnh đạo Sở bận nên chưa họp để triển khai được. . Dù chưa triển khai văn bản nhưng để chống việc xe chở quá tải trên đường thì tất cả kho cảng không được bốc hàng vượt quá tải trọng của xe, thưa ông? + Chúng tôi là doanh nghiệp nhà nước và hoàn toàn ủng hộ chủ trương xử lý xe quá tải vì cảng cũng có lợi trong việc đó nhưng do chưa nhận được thông báo chính thức nào. . Việc không bốc hàng quá tải trọng đâu cần phải thông báo, thưa ông? + Có thông báo thì mình mới làm nếu không thì sẽ bị khách hàng phản ứng. Có chỉ đạo của cơ quan cấp trên phải thế này, phải thế kia thì chúng tôi thực hiện. Nếu mình tự làm thì sao làm được! . Nếu khách hàng phản ứng thì họ sẽ rời cảng Bến Nghé, chọn cảng khác? + Đó là một chuyện. Chức năng của cảng là bốc xếp thôi chứ không được quyền kiểm tra tải trọng của xe. . Ở cảng Bến Nghé có nhiều trạm cân và các xe rời cảng đều cân thì làm sao không biết tải trọng xe rời cảng được, thưa ông? + Cảng nào cũng có cân và cân theo yêu cầu của khách hàng và thu tiền. Chức năng của cảng không được phép kiểm tra tải trọng của xe. Nếu có văn bản chính thức của Nhà nước ban hành thì chúng tôi chấp hành và hoàn toàn ủng hộ. . Luật giao thông và các văn bản dưới luật đều cấm việc chở quá tải, không cần phải chờ đợi thông báo mà cảng hoàn toàn có quyền buộc chủ xe phải chở đúng tải. Cảng cũng biết rõ không có cầu đường nào chịu nổi xe chở sắt thép trên 80 tấn nhưng cảng không cần biết họ lưu thông trên đường như thế nào? + Nhà báo nói đúng. Nhưng cảng yêu cầu họ không được chất quá tải, chủ xe họ có nghe không? . Nhưng cảng không bốc hàng thì làm sao chủ xe chở quá tải. Việc bốc sắt thép lên xe phải dùng thiết bị của cảng, chủ xe đâu có thể bốc tay lên được, thưa ông? + Nếu chủ xe đặt ngược lại vấn đề là trả tiền bốc xếp sao cảng lại không bốc? . Ở TP.HCM, 80% xe chở quá tải từ cảng. Nếu các cảng chỉ bốc hàng đúng tải trọng và không cho xe chở hàng quá tải ra khỏi cổng cảng thì lượng xe quá tải sẽ giảm hẳn và đó mới là xử lý tận gốc? + Tôi đồng ý với ý kiến này. Khi có văn bản thì chúng tôi thực hiện. Chức năng cảng chỉ được quyền bốc xếp, còn việc chở quá tải trên đường là chuyện của chủ xe. . Xin cảm ơn ông. |
Kỳ sau: Bộ GTVT sẽ chấn chỉnh ra sao?