Phải chạy từ Cần Thơ lên TPHCM thuê đơn vị xử lý ...vỏ trứng

Theo Chủ tịch UBND TP, có hơn 11.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn thành phố Cần Thơ nhưng chỉ có 7.856 doanh nghiệp đang thực tế hoạt động. Theo báo cáo của Cục thuế năm 2018 có hơn 2.000 doanh nghiệp hoạt động báo cáo lỗ. Do đó buổi tọa đàm đối thoại hôm nay nhằm mục đích nghe các doanh nghiệp trình bày những khó khăn vướng mắc trong thời gian qua, vì sao doanh nghiệp thua lỗ và thành phố cần làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Quang cảnh buổi đối thoại

Sau phát biểu của chủ tịch UBND TP, nhiều doanh nghiệp đã thẳng thắn trình bày những khó khăn vướng mắc của mình trong thời gian qua, chủ yếu xoay quanh vấn đề nhân công lao động, lãi suất vay, bảo hiểm xã hội, ô nhiễm môi trường....

Đặc biệt trong vấn đề xử lý chất thải công nghiệp, đại diện Xí nghiệp chế biến thực phẩm Meko cho biết đơn vị gặp nhiều khó khăn vì đến nay tại Cần Thơ chưa có đơn vị nào xử lý chất thải công nghiệp.

Theo đó Meko chuyên sản xuất lòng đỏ trứng vịt muối và là đơn vị duy nhất ở Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này đi Singapore. Khi sản xuất thì rác thải công ty thải ra là số lượng lớn vỏ trứng.

Vấn đề ở chỗ, vỏ trứng nếu được thải ra từ hộ gia đình được xem là chất thải sinh hoạt bình thường, nhưng khi công ty thải ra thì được là chất thải công nghiệp và phải được xử lý theo đúng quy trình. Tuy nhiên hiện tại thành phố không có đơn vị chuyên thu gom rác thải công nghiệp, do đó công ty phải thuê các đơn vị xử lý ở tận TP HCM, Bình Dương về thu gom, giá thành đắt từ 2.900 - 3.500 đồng/kg.

Hơn nữa, do khoảng cách xa nên nhưng đơn vị này chỉ có thể gom rác định kỳ khoảng 5-7 ngày/lần, những ngày bình thường thì không vấn đề gì nhưng vào những lúc cao điểm thì số lượng rác thải rất lớn, công ty không thể xử lý được.

Không còn cách giải quyết buộc doanh nghiệp phải nghiền ra thành bột và đi chào bán cho các cơ sở sản xuất thức ăn gia súc nhưng cũng rất khó khăn

"Do đó Meko kiến nghị UBND TP hỗ trợ hoặc tạm thời để công ty công trình đô thị tiếp tục thu gom vỏ như trước kia, hoặc hỗ trợ để thành phố có công ty chuyên thu gom rác công nghiệp tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động tốt hơn",  đại diện Meko trình bày.

Đại diện Công ty CP chế biến thực phẩm Xuất khẩu Miền Tây trình bày ý kiến với chủ tịch UBND TP

Cùng chung ý kiến này, đại diện Công ty CP chế biến Thực phẩm Xuất khẩu Miền Tây cho biết vào cao điểm công ty cho ra hàng chục tấn vỏ trái cây hàng ngày. Do đó, doanh nghiệp trái cây kiến nghị TP sớm có kế hoạch giải quyết vấn đề rác thải công nghiệp và xem xét lại định nghĩa “rác thải công nghiệp”.

Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ cũng thừa nhận, hiện tại, TP Cần Thơ chưa có đơn vị thu gom và xử lý rác thải công nghiệp và nguy hại nên khi các doanh nghiệp sản xuất có phát sinh các loại chất thải này thì đa phần phải thuê các doanh nghiệp từ TP. Hồ Chí Minh xuống thu gom và xử lý.

Trước khó khăn này, Ban quản lý đã kêu gọi đầu tư và thu hút được Công ty Cổ phần môi trường Tây Nam Bộ đầu tư xây dựng “Khu liên hợp tái chế - xử lý chất thải Tây Nam Bộ” tại KCN Trà Nóc 2. Tuy nhiên, do KCN Trà Nóc 2 không nằm trong quy hoạch địa điểm xử lý chất thải chung của thành phố nên Công ty Cổ phần môi trường Tây Nam Bộ đã có văn bản xin UBND thành phố chọn địa điểm và phê duyệt cho công ty triển khai thực hiện.

Nếu được UBND thành phố chấp thuận thì trong năm 2019 sẽ giải quyết được vấn đề vướng mắc đối với rác thải công nghiệp và rác thải nguy hại của xí nghiệp và của các doanh nghiệp trong thành phố Cần Thơ nói chung.

Trực tiếp trả lời vấn đề này, ông Thống cũng cho rằng có sự lúng túng giữa thực tế và pháp lý. “Về định nghĩa pháp lý rác thải công nghiệp là rác thải được thải ra từ doanh nghiệp là định nghĩa chưa chuẩn xác. Cái nào sản xuất ra từ doanh nghiệp thì là rác thải công nghiệp nhưng cũng cái đó sản xuất ra từ hộ gia đình thì lại là rác thải sinh hoạt. Vỏ trái cây khi thành rác thì có thể chuyển thành chất hữu cơ.

Rác thải công nghiệp thì khâu vận chuyển và xử lý đều phải đúng quy định và tốn nhiều chi phí, dẫn đến doanh nghiệp gặp khó. Mà doanh nghiệp gặp khó thì người dân cũng gặp khó”, ông Thống nhận định.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống trực tiếp giải đáp ý kiến doanh nghiệp

Về giải pháp, Chủ tịch UBND TP giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến, đồng thời có tham mưu UBND TP kiến nghị Chính phủ xem xét lại định nghĩa về "rác thải công nghiệp".

Trong lúc chờ Chính phủ xem xét thì Sở cũng có tham mưu có một kế hoạch tái sử dụng để tạo ra sản phẩm khác như đồ thủ công mỹ nghệ, thức ăn gia súc từ vỏ trứng, sản xuất phân hữu cơ từ vỏ trái cây,… để hỗ trợ doanh nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới