Theo tôi, để nhân dân đồng thuận mỗi lần tăng giá điện thì phải minh bạch hơn trong tính toán chi phí, giá thành điện”. Đó là ý kiến đáng lưu ý của TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế tại buổi tọa đàm trực tuyến “Điều hành giá theo thị trường - nhìn từ giá xăng dầu, điện” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 16-3 - thời điểm giá điện chính thức tăng thêm 7,5% (từ 1.508,85 đồng/kWh lên 1.622,05 đồng/kWh).
TS Long cũng cho rằng đáng lý cuộc tọa đàm này nên có đại diện EVN nhưng tiếc rằng không có đại biểu nào từ đơn vị này. Trong khi đó, “từ năm 2007 đến nay, giá điện tăng tám lần và lần này tăng biên độ lớn so với các lần trước, làm người tiêu dùng bức xúc” - TS Long nêu vấn đề.
Tính giá điện không phải chỉ từ EVN
Tại cuộc tọa đàm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho rằng từ tháng 8-2013 đến hết năm 2014, giá điện giữ ổn định nhưng trong suốt thời gian đó, các thông số đầu vào của sản xuất điện đều tăng lên nên EVN đã lập phương án trình Bộ Công Thương xem xét và trình Thường trực Chính phủ thông qua. Tăng giá điện 7,5% là phương án tăng giá thấp nhất, đã tính tới các tác động tới tăng trưởng, CPI. Mức tăng này là phù hợp với mặt bằng thay đổi thông số đầu vào bởi vì thông số đầu vào theo tính toán của EVN đã tăng 12,8%.
Nhiều người lo ngại giá hàng hóa sẽ “té nước theo mưa” khi giá xăng dầu và giá điện cùng tăng. Ảnh: HTD
Theo TS Long, người tiêu dùng không phải không chia sẻ khó khăn với ngành điện nhưng chính sự không minh bạch của EVN khiến người dân luôn nghi ngờ về giá điện sau mỗi lần tăng giá. “Tính toán chi phí và giá thành điện hết sức phức tạp vì ngành điện hoạch toán từ trên xuống dưới nên muốn tính chính xác thì phải có cơ quan chuyên môn, kiểm toán độc lập thì mới chuẩn xác. Nếu Bộ Công Thương chỉ chờ EVN báo cáo rồi quyết định cho tăng giá thì chỉ đứng về doanh nghiệp mà quên đi lợi ích người dùng điện” - ông Long nêu quan điểm.
Theo sát diễn biến giá cả
Đối với giá xăng dầu, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết hiện giá xăng dầu đã đi theo giá thị trường, phản ánh đủ chi phí hợp lý, hợp lệ, nhất là đã bám sát với giá thế giới. Đáng lẽ giá xăng dầu phải điều chỉnh 3.500 đồng/lít trong lần tăng trước và sau tết nhưng do sử dụng quỹ bình ổn giá nên mức điều chỉnh giảm đi, tránh sốc cho người tiêu dùng.
Theo vị này, trên thực tế giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm 14 lần từ tháng 7-2014 cho đến nay, mức giảm trên 10.000 đồng/lít tương đương mức giảm gần 40% trong khi vừa rồi mức tăng 1.600 đồng/lít tương ứng khoảng 10%. Nhìn chung giá xăng dầu có xu hướng giảm là chủ yếu, mức độ giảm vẫn lớn và tác động có lợi lên sản xuất và tiêu dùng. Giá xăng dầu tăng vừa qua sẽ làm CPI tháng này tăng thêm 0,43%.
Nhiều người lo ngại giá hàng hóa sẽ “té nước theo mưa” khi giá xăng dầu và giá điện cùng tăng giá. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết sau khi giá hai mặt hàng này được công bố điều chỉnh thì Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các UBND các tỉnh, TP và đưa ra các giải pháp điều hành. Cụ thể, Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương phải theo dõi sát tình hình diễn biến giá cả một số mặt hàng do Nhà nước định giá và trong trường hợp các mặt hàng thiết yếu tăng thì phải tham mưu để bình ổn giá. Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương rà soát giá đầu vào, tăng thanh tra, kiểm tra về giá, xử lý nghiêm các hành vi tăng giá bất hợp lý. Nếu các đơn vị sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi sự điều chỉnh giá của hai mặt hàng nói trên thì phải có cải thiện về kỹ thuật để tránh tác động lên chi phí, giá thành.