Phải minh bạch trong quy hoạch, chế tài dự án treo

(PLO)- Theo PGS-TS Đặng Văn Phan, chính sự mập mờ trong quy hoạch đã khiến nhiều người giàu lên mau chóng, mập mờ trong quy hoạch làm phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 3-3, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc (MTTQ) Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Cần quy định chế tài đối với các dự án treo

Tại hội nghị, ông Đặng Thanh Bình (Phó Ban liên lạc kiều bào Quận 1) cho rằng thời gian qua, nhiều dự án đã có quy hoạch nhưng chậm triển khai có khi lên đến hàng chục năm, ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người sử dụng đất (SDĐ).

Nhà đất vướng quy hoạch trong trường hợp được phép chuyển nhượng cũng bị hạn chế về giá, không cho phép xây dựng, sửa chữa gây thiệt hại cho người dân, lãng phí tài nguyên đất trong khi người dân lại không có đất để sản xuất, kinh doanh...

Bà Phan Kiều Thanh Hương (Phó Chủ tịch UBMTTQ VN TP.HCM và GS.TS Nguyễn Văn Phước (Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Khoa học – Kỹ thuật và Môi trường) chủ trì hội nghị. Ảnh: YC
Bà Phan Kiều Thanh Hương (Phó Chủ tịch UBMTTQ VN TP.HCM và GS.TS Nguyễn Văn Phước (Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Khoa học – Kỹ thuật và Môi trường) chủ trì hội nghị. Ảnh: YC

Vì vậy, ông Bình đề nghị làm rõ hơn quyền của người SDĐ trong vùng quy hoạch đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, luật cần quy định chế tài xử lý và thực hiện nghiêm chế tài này khi xuất hiện các dự án treo để đảm bảo quyền lợi của người SDĐ và việc SDĐ hiệu quả, tránh lãng phí.

Ông Trần Ngọc Thổ (Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TP) cho rằng quyết định thu hồi đất của UBND cấp huyện (trở lên) ban hành nhưng quyết định thu hồi đất có được giao cho người có đất thu hồi không, giao khi nào, giao trực tiếp hay gián tiếp, trong dự thảo không nói đến vấn đề này.

Theo ông Hổ, thực tế những năm qua, người dân phàn nàn về việc UBND cấp huyện sau khi ban hành quyết định thu hồi đất, có nơi không chuyển giao quyết định đó cho người có đất thu hồi.

Có nhiều trường hợp người có đất thu hồi bị cưỡng chế thu hồi cả chục năm nhưng nay vẫn chưa nhận được quyết định thu hồi đất. Ở nhiều địa phương, cơ quan có trách nhiệm chỉ niêm yết quyết định thu hồi đất tại trụ sở UBND cấp xã hoặc thôn ấp.

Từ đó, ông Hổ đề nghị bổ sung người có đất thu hồi phải trực tiếp nhận được quyết định thu hồi đất. UBND các cấp phải bằng mọi cách chuyển giao quyết định thu hồi đất cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có đất thu hồi, như vậy hiệu lực của quyết định mới cao...

Cần minh bạch trong quy hoạch SDĐ

PGS-TS Đặng Văn Phan (Phó Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam) cho rằng vấn đề quan trọng là quy hoạch. Khi xây dựng quy hoạch thì người dân được lấy ý kiến như thế nào? Cần làm rõ cấp nào phê duyệt quy hoạch, phê duyệt đến đâu, diện tích thế nào...?

Theo ông Phan, công bố quy hoạch phải được quy định cụ thể trong luật. Bởi thời gian qua, chính sự mập mờ trong quy hoạch đã khiến nhiều người giàu lên mau chóng. Mập mờ trong quy hoạch làm phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu.

Sau khi có quy hoạch thì phải công bố bản quy hoạch cho người dân viết và cần kiểm tra, giám sát việc quy hoạch. Phải quy định cấp nào được quyền quy hoạch, cấp nào điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh lúc nào và ai điều chỉnh. Người và tổ chức điều chỉnh phải chịu trách nhiệm với pháp luật ra sao?

Ông Mã Xuân Tuấn (Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư bất động sản TP.HCM) cho rằng cần bổ sung điều khoản khẳng định việc quy hoạch, kế hoạch SDĐ không làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Đối với quy hoạch định hướng, tầm nhìn SDĐ cấp TP - tỉnh, cấp huyện từ 10 năm trở lên phải có quy định cụ thể, thông báo công khai để người dân được nắm thông tin, tránh tình trạng quy hoạch treo làm hạn chế quyền SDĐ của người dân bất ổn tâm lý của người dân...

Về tranh chấp đất đai, luật hiện hành quy định có hai cơ quan giải quyết là tòa án hoặc ủy ban. Trong khi đó, thực tế hầu như 90% tranh chấp đất đai trong cả nước đều do tòa án giải quyết, đây cũng là xu hướng của thế giới.

Vì vậy việc chuyển tất cả các tranh chấp đất đai cho tòa án giải quyết là hợp lý.

Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể thế nào là tranh chấp đất đai. Vì tranh chấp đất đai không chỉ là tranh chấp đất của ai mà còn có những tranh chấp khác như tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền SDĐ...

Cạnh đó, khoản 1 Điều 225 dự thảo quy định UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, SDĐ để làm căn cứ cho tòa án giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu. Đề nghị tăng trách nhiệm của UBND các cấp trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu cho tòa án.

Cụ thể, một số vấn đề cần quy định như tòa án được yêu cầu UBND cung cấp hồ sơ, tài liệu từ thời điểm nào, sau khi thụ lý vụ án hay từ khi thực hiện thủ tục hòa giải tại tòa? Thời hạn để UBND cung cấp, nếu không cung cấp thì giải quyết như thế nào?

Ông Phùng Văn Hải, Phó Chánh án TAND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm