Ngày 1-3, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phát biểu khai mạc, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM, cho biết đây là hội thảo đầu tiên mà cơ quan này tổ chức để lấy ý kiến góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi Chính phủ ban hành kế hoạch lấy ý kiến nhân dân.
Có nên giao cho tòa án giải quyết toàn bộ tranh chấp?
Tại hội thảo, ThS Lê Nhật Bảo, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng: Dự thảo lần này đã tiếp thu rất nhiều điểm tiến bộ, tích cực mà nhân dân góp ý. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai vẫn còn một vài điểm băn khoăn.
Rất đông các đại biểu tham dự hội thảo góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức. Ảnh: TRẦN MINH |
Thứ nhất, khái niệm “tranh chấp đất đai” trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa thật sự hợp lý ở nội dung “tranh chấp về nghĩa vụ của người sử dụng đất”, bởi thông thường người ta chỉ tranh chấp quyền, lợi ích hợp pháp chứ không ai tranh chấp việc thực hiện nghĩa vụ. Do đó cần sửa lại quy định này theo hướng tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền của người sử dụng đất.
Thứ hai, quy định về hòa giải tại UBND cấp xã trong dự thảo còn vài điểm chưa rõ ràng. Cụ thể, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 224 dự thảo luật, thành phần hòa giải tại UBND cấp xã gồm có Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác.
Tuy nhiên, phạm vi “các tổ chức xã hội khác” gồm những tổ chức nào chưa được dự thảo làm rõ, quy định này cũng không giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
“Do đó, tôi đề nghị cần làm rõ vấn đề này” - ThS Nhật Bảo nêu quan điểm.
Thứ ba, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Điểm mới của dự thảo lần này là các tranh chấp đất đai đều thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND, không còn giao quyền giải quyết tranh chấp theo con đường hành chính.
Theo ThS Nhật Bảo, nếu như vậy, khối lượng và số lượng các vụ việc tranh chấp đất đai dồn về cho tòa án là rất nhiều, thủ tục thường phức tạp hơn nhiều so với con đường hành chính. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp kéo dài, gây bức xúc cho người dân, thiếu tính linh hoạt như quy định hiện nay trong Luật Đất đai năm 2013.
Chính vì vậy, ông Bảo cho rằng cần đánh giá lại tính khả thi, sự cần thiết trong quy định mới này ở dự thảo luật về năng lực giải quyết của tòa án.
Cần đánh giá lại tính khả thi về năng lực giải quyết của tòa án đối với quy định chuyển toàn bộ giải quyết tranh chấp đất đai sang cho tòa giải quyết tại dự thảo.
Làm rõ thẩm quyền cấp sổ của cơ quan đăng ký đất đai
Cũng tại hội thảo, bà Lê Thị Phương, Phó Trưởng phòng TN&MT (UBND TP Thủ Đức), cho biết theo khoản 37 Điều 3 của dự thảo luật: Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu cho người đang sử dụng đất ổn định đối với thửa đất xác định theo quy định của luật này.
Ngoài ra, Điều 140 của dự thảo quy định thẩm quyền công nhận quyền sử dụng đất đó là: (1) UBND cấp tỉnh công nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, tổ chức tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài...; (2) UBND cấp huyện công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân...
Trong khi đó, khoản 7 Điều 143 của dự thảo quy định: “Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận do cơ quan đăng ký đất đai thực hiện theo quy định của Chính phủ”. Mà hiện nay, cơ quan đăng ký đất đai chính là chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai và văn phòng đăng ký đất đai .
“Như vậy, dự thảo cần phải quy định cụ thể, làm rõ việc thực hiện theo quy định của Chính phủ là trao thẩm quyền cho cơ quan đăng ký đất đai cấp giấy chứng nhận trong trường hợp nào” - bà Phương nói.
Tách nội dung bồi thường thành tiểu dự án với dự án nhóm B?
Góp ý cho dự thảo luật, ông Đào Quang Cường (Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng) góp ý về Điều 110 của dự thảo, quy định về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án riêng và trách nhiệm tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án đầu tư.
Theo đó, trường hợp cần thiết, việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng đối với dự án quan trọng quốc gia do QH xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ, HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định. Việc quyết định tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng đồng thời với phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Ông Cường cho rằng trong một số trường hợp phải bồi thường thì đối với dự án nhóm B cần bổ sung thêm quy định HĐND cấp tỉnh sẽ xem xét lại quyết định có tách dự án bồi thường. Lý do là một số dự án nhóm B nhưng có rất nhiều vướng mắc nên việc bồi thường, tái định cư cũng sẽ rất phức tạp.