Phải nhìn lợi ích cổ đông mà tăng, giảm vốn

Ngày 3-4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam về việc thực hiện Luật Doanh nghiệp (DN). Các DN cũng phản ánh thực tế va chạm cho thấy Luật DN còn nhiều điểm vướng.

Không cho giảm vốn để chống sốc

Ông Thái Tuấn Kiều, Phó Tổng Giám đốc Thái Tuấn, cho rằng Luật DN không cho phép công ty cổ phần giảm vốn đã gây khó cho DN, khiến DN e dè không dám tăng vốn vì sợ tăng rồi sẽ không giảm xuống được.

Ông Trần Du Lịch, Phó Đoàn đại biểu, cho biết quy định của Luật DN có lý do của nó. Các DN khi tham gia cuộc chơi thì phải tự cân nhắc số vốn thực chất của mình chứ không tính cho kỹ mà tăng ào ào có khi mất hết vốn! Ngoài ra, khi DN có số vốn lớn, vay ngân hàng, ký kết làm ăn với đối tác mà giữa chừng DN lại giảm vốn cái vèo thì rất ảnh hưởng đến sự thanh khoản. Do đó các DN đừng than phiền sao góp ý hoài mà không thấy cơ quan nhà nước sửa luật.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Saigon Co.op, cho rằng Luật DN hợp lý khi không cho công ty cổ phần giảm vốn. Nếu cho, khi có chuyện xảy ra hoặc khi một ông trong hội đồng cổ đông giận lên, đòi rút vốn ra thì sao?! Quy định này nhằm tránh cho DN các cú sốc về vốn, đảm bảo lợi ích của DN và các cổ đông khác. Đồng thời cũng bảo đảm lợi ích của các bên cho vay hay các đối tác.

 
Công nhân chạy máy nhuộm tại Công ty Thái Tuấn. Ảnh: Q.NHƯ

Góp chưa đủ vốn thì nên cho giảm

Ông Cao Đặng Hoàng Vũ, chuyên viên phòng Đăng ký kinh doanh của Sở KH&ĐT TP, cho biết sở này cũng đã từng báo cáo UBND TP về vấn đề giảm vốn trên vì có khá nhiều DN thắc mắc, vướng mắc, muốn được giảm.

Liên quan đến việc giảm vốn, bà Lê Thị Thu Hương, Cục phó Cục Thuế TP, cho biết thời gian qua Cục và Sở KH&ĐT có tổng hợp danh sách DN góp chưa đủ vốn để xử phạt. Vị này nhấn mạnh: “DN gì mà bao nhiêu năm trời sau thành lập vẫn góp chưa đủ vốn. Thế nhưng cũng phải thông cảm cho DN, nếu họ làm ăn đàng hoàng, nộp thuế đầy đủ nhưng vì lý do nào đó không thể góp đủ số vốn đã ghi thì cứ cho họ ghi giảm vốn như số đã thực góp. Ít nhất là nhờ đó mà DN có cơ hội thực hiện đúng pháp luật”.

Thêm nữa, đó cũng là tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động tiếp, để họ không bị bác chi phí lãi vay mãi. (DN góp không đủ vốn không được tính lãi vay vào chi phí hợp lý và không được trừ đi khi xác định thuế thu nhập DN phải nộp.)

Không cho tăng vốn tùy tiện

Ngoài vướng mắc về giảm vốn, DN còn phản ánh khó khăn khi muốn tăng thêm ngành nghề kinh doanh. Ông Thái Tuấn Kiều cho biết: “Có những lúc gặp cơ hội DN muốn mở rộng ngành nghề nhưng quy định của Luật DN là muốn tăng ngành nghề phải thông qua đại hội đồng cổ đông. Việc triệu tập không dễ, có khi cả năm mới họp đại hội đồng cổ đông một lần. Vì vậy DN sẽ mất cơ hội kinh doanh do không tăng thêm ngành nghề mới kịp thời”. Vị này đặt vấn đề: “Nên chăng cho phép HĐQT quyết định việc mở rộng ngành nghề kinh doanh?”.

Giải thích về quy định của Luật DN, ông Cao Đặng Hoàng Vũ cho biết quy định của luật nhằm đảm bảo quyền lợi của cổ đông, đảm bảo DN hoạt động đúng trọng tâm, không để HĐQT mạo hiểm vốn vào các lĩnh vực trái tay. Nếu DN thấy triệu tập cuộc họp khó khăn thì có thể gửi thư để lấy ý kiến biểu quyết qua thư cũng tiện. Trên thực tế đã có nhiều vụ tranh chấp nội bộ công ty, các cổ đông chia phe phái, chơi theo nhóm và làm ảnh hưởng đến các quyết định kinh doanh của công ty. Thêm ngành nghề hoạt động là một vấn đề lớn cần thông qua đại hội đồng cổ đông.

QUỲNH NHƯ

 

Nên thay đổi quy trình “khai tử” DN

Luật DN hiện cũng quy định DN không hoạt động tại trụ sở đăng ký trong sáu tháng thì bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và bị xóa tên. Như vậy có khi DN còn đang “sống” ở đâu đó mà vẫn bị “khai tử“. Lỗi của DN là đổi trụ sở mà không làm đúng thủ tục thông báo nhưng người lãnh hậu quả lại là DN đối tác. Bởi lẽ khi giao dịch, DN có kiểm tra thông tin của nhau nhưng lúc đó DN kia chưa bị “khai tử“ trên hệ thống. Khi cơ quan quản lý phát hiện và đưa lên hệ thống “khai tử“ thì DN kia có thể bị vạ lây do giao dịch với một bên đã “chết”. DN kiến nghị không cho “khai tử” tự động mà phải qua trình tự thủ tục rõ ràng. Đồng thời phải cập nhật thông tin pháp lý của DN kịp thời để DN đối tác có thể tra cứu mà tin tưởng giao dịch.

Luật chưa công bằng giữa các loại DN

Theo Luật DN, công ty cổ phần thì không được nhưng công ty TNHH thì lại được giảm vốn! “Tôi biết có công ty từng chuyển từ cổ phần sang TNHH để giảm vốn. Giảm xong lại xin chuyển đổi sang cổ phần”.

Ông Thái Tuấn Kiều, Phó Tổng Giám đốc Thái Tuấn

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm