Phải phạt thật nặng máy bay chậm chuyến

Sáng 16-8, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với ngành hàng không. Cuộc làm việc nhằm kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của CP, Thủ tướng CP giao cho Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam  (VNA) và Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Bay chậm phải phạt nặng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng yêu cầu các tổng công ty báo cáo, giải trình rõ sáu vấn đề, trong đó có tình hình hủy, hoãn chuyến bay. Trong bảy tháng qua, tỉ lệ đúng giờ của VNA có tăng mạnh so với năm trước nhưng số chuyến bay bị hủy, hoãn của các hãng hàng không giá rẻ khác còn nhiều, do hạ tầng hay kỹ thuật, thiết bị? Thủ tướng cũng yêu cầu ngành hàng không sớm có giải pháp khắc phục tình trạng hoãn, hủy các chuyến bay.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, phát biểu bổ sung: “Hàng không giá rẻ tăng lên dẫn đến bùng nổ, quá tải. Vietjet bay chậm, hủy chuyến kéo theo chậm, hủy chuyến dây chuyền thì có giải pháp gì gỡ không? Chứ nếu không gây căng thẳng ghê gớm. Bay chậm do lỗi chủ quan phải phạt thật mạnh, chứ nếu để một anh gây bay chậm rồi làm dồn toa, nhiều anh khác cũng chậm theo”. 

Ông Thiên cũng đặt vấn đề liệu có thể chuyển sân bay Biên Hòa cho hàng không giá rẻ được không. “Như thế chúng ta có thêm sân bay “giải cứu” được Tân Sơn Nhất, chứ nếu đợi sân bay Long Thành thì còn lâu lắm” - ông Thiên nói.

Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng làm việc với ngành hàng không ngày 16-8. Ảnh: Đ.MINH

Chậm do điều hành các hãng

Giải trình vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Lại Xuân Thanh cho rằng việc chậm, hủy chuyến nguyên nhân chủ yếu do các hãng hàng không. Theo ông Thanh, điều hành bay chung, kết cấu hạ tầng chung, phục vụ mặt đất là chung... nhưng tỉ lệ chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không lại có sự chênh lệch rất lớn. Theo thống kê của Cục Hàng không, có thời điểm tỉ lệ VNA chậm, hủy chuyến là hơn 10%, trong khi Vietjet hay Jetstar lên tới 30%-40%. “Đó là do sự điều hành, vận hành bay của từng hãng. Đã chậm chuyến thì sẽ chậm dây chuyền, lý do chậm chuyến tới 67% là do máy bay về muộn” - ông Thanh cho hay.

Delay nhiều lắm!

Đề nghị ngành hàng không phải khắc phục các lỗi chủ quan dẫn đến việc chậm, hủy chuyến bay. Nếu nói Vietjet chậm chuyến 30 phút, ảnh hưởng đến tần suất của VNA thì sao Bộ GTVT không xử lý Vietjet? Sắp tới cần xây dựng một chuẩn mực chung giữa các hãng hàng không để đánh giá, công nhận, nếu hãng nào không bảo đảm thì có thể xem xét cắt giảm “giờ vàng”. Chúng ta delay nhiều lắm, delay vài tiếng là chuyện bình thường. Chuyến bay có lãnh đạo đi không delay đâu nhưng người dân thì delay nhiều lắm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP MAI TIẾN DŨNG

Tổng Giám đốc VNA Dương Trí Thành nói: “Để nâng cao tỉ lệ đúng giờ phải nâng cao năng lực quản trị điều hành và phải có chi phí thêm, cụ thể là phải có máy bay dự bị, máy bay phải mới...”. Ông Thành cho biết thêm từ năm 2016, VNA đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo lớn, mời cả Bộ Khoa học tham gia, từ thực hiện nghiên cứu phân tích toán học đến đưa ra những giải pháp cụ thể. Giải pháp chung là ứng dụng CNTT để giảm tải ách tắc ở sân bay. Đầu năm 2016, tỉ lệ khách tự làm thủ tục qua website, điện thoại chỉ có 10%, đến hè 2017 đã tăng lên 35%, giảm được 1/3 áp lực lên các quầy hệ thống, giảm được ùn tắc thông quan sân bay, tạo sự thuận tiện.

Trao đổi bên lề cuộc họp, ông Lại Xuân Thanh cho biết ACV đang tích cực triển khai khu sân đỗ 21 ha tại sân bay Tân Sơn Nhất. “Chúng tôi đang triển khai tích cực khu đỗ 21 ha và đường lăn nối vào 21 ha, các cửa sân đỗ. Với khu mới 21 ha, sẽ cơ bản xử lý được vấn đề sân đỗ cho sân bay Tân Sơn Nhất” - ông Thanh cho biết. Theo ông Thanh, Tân Sơn Nhất chiếm 40% tổng lượng khách cả đi và đến ở Việt Nam. Vì vậy, hạ tầng Tân Sơn Nhất không chỉ ảnh hưởng đến riêng sân bay Tân Sơn Nhất mà còn ảnh hưởng đến hạ tầng chung của ngành hàng không. Về tiến độ, đến cuối năm 2017 sẽ đưa hơn 1/3 năng lực khu đỗ 21 ha vào khai thác, sẽ đáp ứng phục vụ 45 triệu khách dự kiến vào cao điểm Tết.

Ủng hộ biện pháp xử phạt hãng chậm, trễ chuyến

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện một hãng hàng không giá rẻ nhận định đúng là trong cùng một điều kiện thời tiết, cùng điều kiện khai thác như nhau mà tỉ lệ chậm, hủy chuyến của các hãng cách nhau khá xa thì cần xem lại công tác vận hành, nguồn nhân lực của từng hãng.

Thực tế, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chiếm khoảng 80% tổng số lượng các chuyến bay của các hãng hàng không. Cơ sở hạ tầng ở sân bay, nguồn nhân lực phục vụ mặt đất… là như nhau.  Các số liệu về tình hình chậm, trễ chuyến của các hãng được thống kê tổng hợp giữa các chuyến bay quốc tế và quốc nội trên cơ sở khách quan nhất. Bên cạnh đó, trên thế giới tỉ lệ chậm, hủy chuyến bình quân của các hãng là 25%. Nếu hãng nào liên tục có tỉ lệ trên 25% thì cần xem lại công tác vận hành. Yếu tố nguồn nhân lực, công tác điều hành chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc chậm, trễ chuyến. Vị đại diện hãng ủng hộ việc cần có biện pháp xử phạt hãng chậm, trễ chuyến gây ra ảnh hưởng dây chuyền đến các hãng khác. Bên cạnh đó, việc đặt ra mức tiêu chuẩn chung là cần thiết để nâng cao trách nhiệm của hãng.

Cùng ngày, PV Pháp Luật TP.HCM liên lạc với hãng hàng không giá rẻ Vietjet nhưng không nhận được ý kiến phản hồi.

HỒNG TRÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm