Phải sung quỹ nhà nước tiền do phạm tội mà có

Khi xét xử, ngoài các án tù, TAND huyện Châu Thành (An Giang) còn tuyên buộc ba bị cáo phải nộp lại số tiền này để sung quỹ nhà nước. Phần quyết định này của tòa bị VKS huyện kháng nghị. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh An Giang đã chấp nhận kháng nghị, không buộc các bị cáo nộp số tiền thu lợi bất chính hơn 1 triệu đồng để sung quỹ vì cho rằng các bị cáo đã bồi thường xong cho người bị hại.

Hiện nay có một số tòa án quan niệm không đúng rằng tiền bán tài sản do chiếm đoạt mà có là tiền thu lợi bất chính và được trừ vào số tiền mà các bị cáo phải bồi thường nên thường không buộc nộp lại hoặc “trừ” vào số tiền các bị cáo phải bồi thường cho người bị hại. Thậm chí nhiều tòa còn cho rằng buộc các bị cáo phải nộp lại để sung quỹ nhà nước là bắt bị cáo phải nộp “hai lần”!

Cách hiểu trên là không đúng luật. Theo quy định tại Điều 41 BLHS thì việc tịch thu, sung quỹ nhà nước được áp dụng đối với: Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành. Chỉ trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp hoặc người quản lý hợp pháp đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép. Như vậy, việc tịch thu sung quỹ nhà nước là quy định bắt buộc chứ không phải “có thể” hay không có thể, thích thì tịch thu, không thích thì thôi.

Trong vụ án trên, tòa sơ thẩm tuyên bố buộc các bị cáo phải nộp số tiền hơn 1 triệu đồng để sung quỹ nhà nước là đúng pháp luật vì số tiền này các bị cáo bán sợi dây chuyền đã cướp giật được của người bị hại nên phải coi là tiền do phạm tội mà có. Đây không phải là tiền thu lợi bất chính. Thu lợi bất chính thường chỉ được dùng đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế quy định tại Chương XVI BLHS hoặc đối với một số tội phạm khác có liên quan đến hoạt động mua bán, trao đổi, còn đối với các tội xâm phạm sở hữu thì không dùng thuật ngữ này. Ví dụ: A mua tài sản của người phạm tội (biết rõ là do phạm tội mà có) rồi đem bán cho người khác thì số tiền A thu được sau khi bán mới là tiền thu lợi bất chính.

Việc người bị hại yêu cầu các bị cáo bồi thường giá trị sợi dây chuyền hoặc gia đình các bị cáo đã bồi thường xong cho người bị hại không phải là căn cứ để miễn cho các bị cáo không phải nộp số tiền do bán tài sản đã phạm tội mà có. Lẽ ra trong vụ này, tòa phúc thẩm cần bác kháng nghị của VKS thì lại chấp nhận kháng nghị, không buộc các bị cáo phải giao nộp số tiền bán sợi dây chuyền cướp giật được là không đúng pháp luật.

Số tiền này không phải là của các bị cáo mà là của người mua sợi dây chuyền các bị cáo cướp giật được. Nếu muốn trả thì tòa án triệu tập người mua sợi dây chuyền của các bị cáo tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án rồi trả lại cho họ với điều kiện họ không có lỗi trong việc tiêu thụ sợi dây chuyền mà các bị cáo đã cướp giật. Còn nếu họ vì hám lợi mà mua rẻ thì cũng phải tịch thu sung quỹ nhà nước.

Tuy vụ án không lớn nhưng lại liên quan đến vấn đề pháp lý trong việc tịch thu tài sản, tiền do phạm tội mà có hoặc tiền thu lợi bất chính nên tôi nghĩ tòa phúc thẩm cần rút kinh nghiệm để tránh những sai lầm tương tự.

Luật sư ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm